Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng vào những tháng mùa thu khi lượng du khách lên đỉnh điểm, trùng với thời điểm cua lông trưởng thành.
Hơn 1.000 trang trại nghỉ dưỡng hoạt động không phép ở hồ Dương Trừng, gần thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đang xả chất thải trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt, theo một bản tin của kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.
Cư dân địa phương cho biết nước ở đây từng là nước uống được, và người dân thường dùng nước để giặt quần áo, lau nhà, rửa bát và nấu ăn.
Dòng nước quanh khu vực hồ Dương Trừng, gần Tô Châu, Giang Tô chuyển màu sẫm vì các trang trại nghỉ dưỡng xả chất thải trực tiếp ra sông. Ảnh: Weibo. |
Tuy nhiên, giới chức đã làm ngơ khi nhiều hộ kinh doanh nối đường ống trực tiếp từ bếp xuống dòng nước, khiến nước chuyển sang màu sẫm, theo CCTV.
“Ống nước thải dẫn ra các con sông”, một đầu bếp ở một trại nghỉ dưỡng cho biết.
“Không còn cá hay ốc sên trong các dòng sông”, một cư dân khác nói với CCTV.
Theo quy định bảo vệ nguồn nước, các hộ kinh doanh du lịch và nhà hàng bị cấm xả nước thải trực tiếp xuống hồ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết nếu có quen biết với chính quyền, họ vẫn có thể xả thải, không cần giấy phép.
Hơn 185.000 du khách tới thăm hồ Dương Trừng trong “tuần lễ vàng” đầu tháng 10, nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc, tăng 7,4% so với năm ngoái, theo South China Morning Post.
Cua lông từ hồ Dương Trừng được coi là hảo hạng nhất. Tương truyền, vào mùa cua lông ngon nhất và nhiều trứng nhất mỗi độ thu về, vua Càn Long đã vi hành từ kinh thành để thưởng thức món ăn đặc sản này.
Cua lông từ hồ Dương Trừng, Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ảnh: AFP. |