Số hóa nghệ thuật điều hành
Những ai một lần tham dự cuộc họp giao ban nhà thầu Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, sẽ không lạ gì cách điều hành công việc của vị Tổng giám đốc thế hệ 7x này. Ở ông Hồ Minh Hoàng, không có khái niệm vòng vo, mọi vấn đề luôn được cụ thể hóa bằng người thật, việc thật, được chứng minh qua hiệu quả triển khai tại công trường.
Nhiều cán bộ, kỹ sư thường hay “né” các cuộc họp giao ban do Tổng giám đốc Hoàng chủ trì. Phong cách đối thoại trực diện, thẳng thắn và truy vấn đề đến cùng khiến không ít người yếu bóng vía cảm thấy "đuối" khi trình bày với lãnh đạo.
Ông Hoàng thường nói, là người quản lý phải luôn gắn mình với công trường, hiểu từng ngõ ngách công trường, có như vậy mới điều hành mọi việc trôi chảy và ít nhất cũng phản biện được cán bộ mình, những kỹ sư trẻ và có trình độ, khiến họ tâm phục, khẩu phục.
Tôi may mắn được theo dự án từ lúc khởi đầu, tham dự phần lớn các cuộc họp quan trọng của công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, nên có cơ hội làm việc nhiều với ông Hoàng, cũng như với những kỹ sư trẻ của công ty.
Doanh nhân Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả. |
Có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết, yêu nghề, lấy công trường làm gia đình, là niềm vui và hạnh phúc từ vị Tổng giám đốc này. Và nhiệt huyết ấy đã truyền tới những cộng sự của ông. Phạm Đình Thuận, trợ lý ông Hoàng chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ mãi thời kỳ đầu triển khai dự án, công ty lúc ấy chỉ có vài nhân sự, Tổng giám đốc đi đâu, tôi cắp cặp theo đó, nhiều lúc cạn kiệt nhiệt huyết. Nhưng niềm tin vẫn trọn vẹn của người đứng đầu đã truyền cho chúng tôi sức mạnh và sự kiên trì theo đuổi vì một ngày mai tốt đẹp hơn”.
Đến bây giờ, khi Dự án đã thật sự vào guồng, sự thành công bước đầu không chỉ nhân dân, chính quyền địa phương ghi nhận, mà còn được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá cao, xem công ty Đèo Cả là mô hình chuẩn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Sự thành công hôm nay được gói gọn trong 10 tháng lăn lộn với công trường, mày mò tìm hướng đi của cá nhân ông Hoàng và cả tập thể công ty. Đây chính là tâm sự hết sức chân thành mà ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả dành cho cá nhân ông Hoàng và công ty.
Không ngẫu nhiên mà nhiều cán bộ trẻ, có trình độ chấp nhận lăn lộn cùng vị Tổng giám đốc thế hệ 7x. Họ chia sẻ, lý do đơn giản là vì, ở người lãnh đạo này, công việc là công việc, còn bước ra khỏi công trường ,là tình cảm anh em chân thành, đúng như tính cách của người miền Trung lâu nay.
Sự thẳng thắn của vị Tổng giám đốc trẻ tuổi này không chỉ dành riêng cho việc quản lý đối nội của công ty, mà ngay cả các nhà thầu tại Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả cũng không lạ gì phương pháp điều hành của ông Hoàng.
Trong hội nghị nhà thầu gần đây, cách truy tiến độ của ông Hoàng khiến tôi, dù chỉ là người ngoài cuộc, cũng toát mồ hôi. Đơn cử, khi đối thoại với đại diện đơn vị tư vấn, ông Hoàng buộc đơn vị này phải nắm rõ năng lực của các nhà thầu, công khai năng lực nhà thầu trước hội nghị, xem đây là phần việc hiển nhiên mà đơn vị tư vấn phải làm.
Hoặc đối với các nhà thầu, ông Hoàng cũng đề nghị họ “thoải mái” đưa ra yêu cầu, vướng ở đâu ông giao cán bộ ghi nhận xử lý ngay. Ngược lại, họ cũng phải minh bạch năng lực, yếu chỗ nào thì thuê chuyên gia bổ sung chỗ đó, còn nếu yếu mà không thừa nhận, làm ảnh hưởng tiến độ thì công ty thẳng tay tước quyền nhà thầu hoặc treo tiền tạm ứng thi công.
Gần đây nhất, một nhà thầu đảm nhận thi công cây cầu thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa, do công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả - Khánh Hòa mà ông Hoàng với tư cách là Chủ tịch HĐQT làm chủ đầu tư, đã triển khai ì ạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn Dự án.
Cách xử lý vấn đề của ông Hoàng rất nhanh gọn, chỉ một cuộc điện thoại đề nghị cắt hợp đồng và nói rõ, dù là bạn bè thân thiết, nhưng trong công việc phải rõ ràng và nghiêm túc, khiến bên phía đối tác phải đồng ý thanh lý hợp đồng sớm để ông giao đơn vị khác thi công cho đảm bảo tiến độ.
Ông Hoàng vốn là người xuất thân từ ngành kỹ thuật và tin học, cộng thêm là cử nhân ngành quản trị kinh doanh, nên mọi vấn đề được quản lý theo hình thức số hóa, có logic chặt chẽ, mang tính hệ thống, mang lại hiệu quả cao.
Đến thời điểm này, khi đặt chân đến Dự án, không ít người cảm thấy choáng ngợp với khối lượng công việc mà Dự án đã đạt được trong thời gian ngắn ngủi 10 tháng, kể từ lúc Bộ Giao thông - Vận tải có những quyết định điều chỉnh quan trọng. Quan trọng hơn, những quyết định chính xác và táo bạo của vị tổng giám đốc này không chỉ giúp Dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, mà còn tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Tầm nhìn của nhà đầu tư hạ tầng lớn
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã có chủ trương nhanh về việc giao công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nghiên cứu đầu tư tiếp Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, một trong những con đèo nguy hiểm nhất còn sót lại trên tuyến Quốc lộ 1A.
Quyết định này của Bộ trưởng là hoàn toàn chính xác, theo như nhận định của ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Bởi lẽ, qua quản lý điều hành và triển khai Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả hoàn toàn có đủ năng lực triển khai các dự án giao thông lớn, kể cả dự án BOT và dự án BT.
Chính Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cũng nhìn nhận, giai đoạn đầu khi mới triển khai Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, nhiều con mắt tỏ ra nghi ngờ về năng lực cũng như kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ trẻ Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Nhưng với những gì hiện hữu qua tiến độ dự án, không riêng gì chính quyền địa phương, mà ngay cả người dân bản địa cũng đã thật sự tin tưởng vào sự thành công của Dự án.
Những nhận định này như một lời khẳng định sự trưởng thành thật sự của công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, trên cơ sở cách quản lý điều hành và triển khai Dự án cũng như uy tín khi đảm nhận trọng trách công việc.
Thành quả này gắn liền với CEO Hồ Minh Hoàng, gắn liền với những cán bộ, kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết và có tình yêu mãnh liệt vào nghề. Nói không quá, giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua, mọi sự gian khổ và kiên trì của cả đội ngũ công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nói chung và cá nhân Tổng giám đốc Hoàng nói riêng đã được đền bù xứng đáng, đúng như suy nghĩ của ông Hoàng từ lúc mới triển khai Dự án, là “mọi người nghĩ thế nào cũng được, mình cứ làm, một ngày nào đó kết quả sẽ thay mình nói lên tất cả”.
Những thách thức và gian khổ đã tôi luyện vị CEO của công trường ngày càng tự tin hơn, cứng rắn hơn và cũng giúp nhiều người hiểu về anh hơn. Kinh nghiệm đúc kết từ sự tôi luyện đó đã giúp ông Hoàng có cách nhìn khác, rộng hơn về lĩnh vực mình đang đầu tư.
Ông Hoàng cho rằng, đầu tư lĩnh vực hạ tầng là lĩnh vực không đơn giản, đòi hỏi sự dung hòa giữa các mối quan hệ, đảm bảo lợi ích cho tất cả những đối tượng liên quan. Trên cơ sở đó, bản thân nhà đầu tư phải có những cách xử lý linh hoạt hơn, lúc cứng, lúc mềm để hướng đến mục tiêu cho toàn dự án.
Đơn cử như việc công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư dám tạm ứng cho nhà thầu lên đến 40%, thậm chí mời gọi nhà thầu tham gia dự án. Quyền lợi nhà thầu rất nhiều, nhưng đổi lại, bản thân họ phải có trách nhiệm, xem Dự án như là của mình, sống chết với Dự án.
Hoặc công ty đang thực hiện chính sách bình ổn giá vật liệu, một chính sách tuy đơn giản, nhưng cũng đã thể hiện trách nhiệm của chủ đầu tư đối với nhà thầu, giúp nhà thầu yên tâm với công việc mình đảm nhận. Hay chính sách kích thích tiến độ, ông Hoàng sẵn sàng cho phép nhà thầu lấn sang hạng mục của đơn vị khác trên cùng một gói thầu, nếu như đơn vị đó triển khai thi công tốt hơn…
Ông tin rằng, mọi vấn đề xuất phát từ cái tâm, vì mục tiêu cao cả, hướng tới những giá trị xã hội - nhân văn tốt đẹp đều sẽ có được kết cục mỹ mãn. Chính cách nghĩ này đã giúp ông Hoàng chèo lái “con thuyền” Đèo Cả vượt qua bao cơn sóng dữ, để hướng đến bến đỗ mà mình mong muốn.