Hình minh họa hố đen nuốt một ngôi sao. Ảnh: NASA |
Sjoert van Velzen, một nhà thiên văn của Đại học Johns Hopkins tại Mỹ và tham gia phân tích dữ liệu của Kính thiên văn không gian Hubbule, cùng các đồng nghiệp theo dõi một ngôi sao có kích cỡ tương đương mặt trời khi một lực nào đó kéo nó lệch khỏi quỹ đạo bình thường để lao về phía một hố đen siêu lớn. Kết cục tất yếu là hố đen nuốt chửng ngôi sao. Nhưng sau đó họ thấy một luồng bức xạ thoát ra ngoài rìa hố đen với tốc độ cực lớn, Wasington Post đưa tin.
Giới khoa học từng chứng kiến cảnh tượng hố đen "ăn thịt" ngôi sao. Họ cũng thấy luồng vật chất thoát ra từ hố đen sau khi chúng nuốt ngôi sao. Nhưng chưa ai nghĩ tới khả năng luồng vật chất liên quan trực tiếp tới "đại tiệc" của hố đen.
Nghiên cứu của Velzen lần đầu tiên chứng minh rằng luồng vật chất chính là một phần của ngôi sao mà hố đen nuốt.
"Những sự kiện như thế rất hiếm. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến toàn bộ diễn biến - từ khi ngôi sao biến mất trong hố đen tới khi luồng vật chất thoát ra ngoài. Chúng tôi theo dõi quá trình ấy trong nhiều tháng", Velzen kể.
Nhóm của Velzen bắt đầu nghiên cứu sau khi biết tin về một ngôi sao bị hủy diệt trên mạng xã hội Twitter vào tháng 12/2014. Ngay sau đó, Velzen dùng kính thiên văn radio để theo dõi những diễn biến sau khi hố đen phá hủy ngôi sao.
Giờ đây nhóm nghiên cứu tin chắc rằng xung ánh sáng cực nhanh và mạnh thoát ra ngoài ngôi sao chính là một phần vật chất của ngôi sao.
"Quá trình hố đen hủy diệt ngôi sao là hiện tượng phức tạp mà loài người chưa hiểu hết", Velzen bình luận.
Hố đen mà nhóm Velzen theo dõi ẩn nấp trong một thiên hà cách trái đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng. Những hố đen mà giới thiên văn từng nghiên cứu cách xa địa cầu gấp ít nhất 3 lần cự ly đó.