Hàng loạt doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ. Ảnh: Chí Hùng. |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về danh sách các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu với nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho trái chủ trong giai đoạn 16/9/2022 đến 31/1/2023.
Theo đó, danh sách này gồm 54 doanh nghiệp với nhiều đơn vị từng huy động trái phiếu doanh nghiệp với quy mô lớn như Trung Nam, BCG Energy, Hưng Thịnh, Đất Xanh miền Nam, Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bông Sen...
Đáng chú ý, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nhóm này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Sacomreal, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Gotec Land, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land...
Bên cạnh đó, danh sách này cũng bao gồm nhiều doanh nghiệp đang được giới đầu tư quan tâm do liên quan tới những lùm xùm chậm trả gốc, lãi trái phiếu như CTCP Anh ngữ Apax liên quan ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy); Chứng khoán Tân Việt (TVSI); CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) liên quan ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings; hay CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
Trong danh sách HNX công bố, hầu hết doanh nghiệp công bố báo cáo có nội dụng chậm trả lãi cho trái chủ ở dạng báo cáo tuần. Ngoài ra, có 7 doanh nghiệp công bố báo cáo bất thường về tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu gồm: CTCP Hưng Thịnh Icons, CTCP Đầu tư Hải Phát, CTCP Nova Final Solution, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, CTCP VKC Holdings, CTCP Kinh doanh Bất động sản VHC...
Thực tế, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp đã thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ.
Dù vậy, theo các chuyên gia phân tích tại VNDirect, đây chưa phải là giai đoạn cao điểm khi áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.
Xét theo cơ cấu, bất động sản là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.
Trên thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng ảm đạm cũng ghi nhận từ cuối năm 2022 đến nay. Thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết đến ngày 31/1, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa ghi nhận đợt phát hành nào. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được thực hiện vào tháng 12/2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng.
Liên quan hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài, thay đổi kỳ hạn của trái phiếu và có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán bằng tài sản khác khi được sự đồng ý của trái chủ. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn về dòng tiền.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế