Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HLV Vũ Quang Bảo và duyên nợ với bóng đá xứ Nghệ

HLV từng gắn với thành công của đội Quân khu 4 có nhiều kỷ niệm khó phai mờ với bóng đá Sông Lam trước đây.

Ông Vũ Quang Bảo sinh ra và lớn lên ở Thái Hòa, một thị xã miền núi nổi tiếng hiếu học ở Nghệ An. Ông được nhiều người biết khi dẫn dắt đội bóng Quân khu 4 vô địch hạng nhất năm 2008 và thi đấu thăng hoa ở V.League 2009. Ít ai biết, ông Bảo “khoằm” còn là chân sút có hạng ở đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh (SLNT) trước đây.

Theo chân HLV Vũ Quang Bảo sắm Tết

Trong một chiều cuối năm, chúng tôi đã tình cờ bắt gặp HLV Vũ Quang Bảo hồ hởi đi chuẩn bị cho Tết Giáp Ngọ.

Trận cầu đáng nhớ nhất với HLV người Thái Hòa này là trận chung kết ngược với Long An trên sân Nha Trang (1991). Ngay phút thứ 3, thủ môn Xuân Thủy (SLNT) phải vào lưới nhặt bóng và nhận thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài Nguyễn Văn Mùi (tân Trưởng ban trọng tài V.League hiện nay) do vào bóng thô bạo với cầu thủ Long An.

HLV Vũ Quang Bảo (phải) sẽ có màn đối đầu với SLNA cuối tuần này.
HLV Vũ Quang Bảo (phải) sẽ có màn đối đầu với SLNA cuối tuần này.

Khi ấy thủ thành dự bị Xuân Vinh vẫn còn ngồi trên khán đài chưa nóng chỗ được gọi gấp vào thay thế. Thế trận sau đó nghiêng hẳn về phía SLNT nhưng tấn công mãi vẫn không xuyên thủng được lưới đối phương.

“Tôi nhớ như in ở phút 89, chúng tôi được hưởng một quả đá phạt góc, toàn đội cùng dồn lên phần sân Long An. Bóng được câu vào vòng 16m50, gần 20 con người lộn xộn trong vòng cấm địa, tôi có được bóng và sút tới 2 lần thì bóng vào lưới và hét lên “vào rồi”. Khi đó anh Mùi mới biết chúng tôi đã gỡ hòa và chỉ tay ra giữa sân”, HLV Vũ Quang Bảo hồi tưởng.

“Đó là bàn thắng có phần may mắn nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa với đội SLNT. Đấy cũng chính là bàn thắng cuộc đời của tôi. Ít phút sau, hai đội bước vào loạt luân lưu, tôi là người thực hiện thành công quả cuối cùng giúp SLNT trụ hạng, còn Long An xuống hạng rồi giải thể luôn đội bóng”.

Mùa giải năm 1992, hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh tách ra, đội bóng SLNT đổi tên thành Sông Lam Nghệ An (SLNA) bây giờ. HLV Vũ Quang Bảo chủ động lên gặp lãnh đạo xin nghỉ, vì gánh nặng tuổi tác và muốn dành thời gian chăm sóc vợ con.

HLV Vũ Quang Bảo thường tận dụng thời gian nghỉ ngơi để chơi với các cháu.

Nghỉ bóng đá ở tuổi 37, ông Bảo “khoằm” trở về quê nhà với 2 bàn tay trắng. Vợ ông là nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Thái Hòa, vốn khá hiền lành và đảm đang. Rồi bà quyết định nghỉ làm giáo dục, “chung lưng đấu cật” với chồng mở cửa hàng buôn bán gần nhà, cuộc sống trôi qua rất lặng lẽ nhưng ngập tràn tiếng cười bên tổ ấm nhỏ.

Về phía đội bóng SLNA, vì trân trọng một tài năng và nhận thấy ông Bảo có tố chất cầm quân, nên đích thân “Khổng Minh xứ Nghệ” (biệt danh ông Nguyễn Hồng Thanh) và Giám đốc Sở thể dục thể thao Nghệ An Nguyễn Hoàng Thụ nhiều lần đánh ô tô từ thành phố Vinh lên Thái Hòa để mời ông Bảo tham gia vào ban huấn luyện đội bóng.

Ông Bảo cũng nhiều đêm trăn trở với lời mời chân tình từ người lãnh đạo mà ông quý mến năm xưa, song ông không nỡ xa vợ con để thỏa chí với niềm đam mê của mình.

Những tưởng cuộc sống của tiền đạo tài hoa bóng đá xứ Nghệ một thời sẽ trôi qua lặng lẽ như tính cách của mình nhưng đến năm 2003, ông Đoàn Sinh Hưởng khi ấy là Phó Tư lệnh Quân khu 4 mời ông Bảo ghé thăm đại bản doanh CLB.

Trong lúc dạo quanh khu nhà ở của cầu thủ Quân khu 4, HLV Vũ Quang Bảo ngấn lệ khi thấy các cầu thủ phơi áo tập trên những chiếc quạt và bật chạy không ngừng giữa mùa đông rét buốt. Ông hỏi thì biết mỗi cầu thủ chỉ có một bộ đồ thi đấu nên sáng tập về là tranh thủ giặt rồi mở quạt hong cho khô để chiều tập tiếp. Nơi ở thì xập xệ, cứ mưa xuống là nước ngập tới tận giường ngủ, chế độ đãi ngộ gần như không có gì.

Thương các em trẻ và trước lời mời chân thành từ Phó Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng, ông Bảo đã gật đầu trở lại với trái bóng tròn. Tâm nguyện của ông lúc bấy giờ, đơn giản chỉ là mong dẫn dắt Quân khu 4 có thành tích tốt, từ đó giúp các em có cơ hội đổi đời từ trái bóng. Khi đặt bút ký hợp đồng, thấy CLB khó khăn, ông chỉ xin lãnh đạo đội bóng ngày 3 bữa cơm và tự nguyện làm không lương.

Suốt 2 năm sau đó ròng rã theo đội, ông Bảo “khoằm” giữ đúng cam kết không nhận một đồng lương cứng nào ngoài phụ cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng dùng để đóng tiền điện thoại và mua vật dụng sinh hoạt cá nhân. Chỉ trong 5 năm, ông Bảo đã đưa đội bóng Quân khu 4 lên hạng nhất (năm 2005) rồi vô địch hạng nhất (năm 2008) và trụ lại V.League ( năm 2009) cho đến khi giải thể đội bóng.

Khi đưa đội Quân khu 4 lên sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam, rất nhiều đội bóng ở V.League trải thảm đỏ mời HLV Vũ Quang Bảo về cầm quân với những khoản lót tay và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Song, ông vẫn một mực trung thành với đội bóng nghèo quân đội.

Ông Bảo mong một ngày được dẫn dắt đội bóng áo lính.

“Nhiều người nói tôi gàn dở, không thức thời. Tôi trở lại với bóng đá và đến với Quân khu 4 đâu phải vì tiền, dù tôi không giàu có gì. Đến giờ phút này, tôi luôn cảm thấy thanh thản và mỗi khi nói về Quân khu 4 thì trong tôi luôn xuất hiện một tình cảm đặc biệt và mong muốn đội có ngày trở lại trong làng bóng đá Việt Nam”, HLV Vũ Quang Bảo nói.

“Ngày Quân khu 4 giải thể, tôi rất buồn vì “đứa con” tâm huyết lâu nay bỗng dưng không còn nữa. May sao, anh em cầu thủ lứa đó phần đa đều tìm được CLB mới, không thì cũng có công ăn việc làm ổn định”.

Việc bóng đá quân đội biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam cũng là nỗi đau với HLV Quang Bảo. Ông nói: “Tôi vẫn luôn khát khao sẽ có một ngày được dẫn dắt một đội bóng lính. Tôi gắn bó với môi trường quân đội từ năm 17 tuổi, những Thể Công, Quân khu 4… luôn nằm trong trái tim tôi. Không có gì bằng nếu khát khao đó trở thành hiện thực”.

Thanh Tùng

Bạn có thể quan tâm