Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HLV U21 Yokohama: ĐT Nhật từng sợ Hàn Quốc, như Việt Nam ngán Thái Lan

Những chiến thắng của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan ở các giải đấu lớn đếm trên đầu ngón tay tạo nên tâm lý ngại đối thủ lớn nhất khu vực Đông Nam Á này.

Theo HLV Ono Shingi của U21 Yokohama đang có mặt tại Việt Nam dự giải U21 quốc tế 2017, căn bệnh "sợ" người Thái của Việt Nam từng xảy ra với bóng đá Nhật Bản khi họ  chạm trán Hàn Quốc. Nhưng trải qua nhiều năm, bóng đá xứ sở hoa anh đào thay đổi, từ đó không còn "sợ" Hàn Quốc nữa.

Chia sẻ với Zing.vn, chiến lược gia người Nhật Bản đã chỉ ra cách giúp bóng đá Việt Nam luôn giữ vững tinh thần trước Thái Lan.

- Nhiều thập niên qua, bóng đá Việt Nam luôn thua người Thái trên mọi đấu trường và một trong những nguyên nhân nằm ở tâm lý kém. Vậy ông có lời khuyên nào cho cầu thủ Việt Nam?

HLV Nhat Ban chi ra diem yeu cua cau thu Viet Nam anh 1
U23 Việt Nam vừa thắng U23 Thái Lan trong trận đấu thuộc giải giao hữu mới đây. Ảnh: Tùng Lê.

- Các bạn phải làm sao gieo vào đầu cầu thủ trẻ một tư duy rằng, Thái Lan cũng như Việt Nam, đồng thời tạo cho họ nhiều cơ hội va chạm với đối thủ mà không cần quan tâm kết quả. Cầu thủ ngay từ nhỏ nên được tạo điều kiện chơi bóng thoải mái, điều đó sẽ làm họ tự tin hơn. Ngày trước, đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc cũng từng rơi vào trường hợp vậy. Nhưng sau này, đội tuyển Nhật Bản thay đổi suy nghĩ, không cần e ngại Hàn Quốc nữa.

- Từng chạm trán với nhiều đội tuyển Việt Nam ở các giải trẻ gần đây, ông nhận xét các cầu thủ "thiếu tính tổ chức" trong lối chơi. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Đó là tư duy về bóng đá. Khi tấn công, các vị trí trên sân phải biết cách di chuyển sao cho tiếp cận với khung thành nhanh nhất. Ví dụ, một tiền vệ cầm bóng ở giữa sân phải biết cách chuyền sao cho đưa đồng đội vào vị trí thuận lợi xâm nhập vùng cấm địa.

Ngoài ra, các vệ tinh xung quanh cần tự nhận thức di chuyển thế nào để đón lấy đường chuyền, từ đó dễ dàng xâm nhập khu vực nguy hiểm đối thủ. Còn lúc phòng ngự, hàng thủ nên được tổ chức, bọc lót cho nhau và giữ cự ly đội hình hợp lý. Đó gọi là tính tổ chức trong bóng đá. Đây là điều còn thiếu ở bóng đá Việt Nam.

- Bóng đá trẻ Nhật Bản thuộc nhóm tiên tiến của khu vực châu Á. Vậy đâu là sự khác biệt của hệ thống đào tạo ở đây với những quốc gia khác?

HLV Nhat Ban chi ra diem yeu cua cau thu Viet Nam anh 2
Ở Nhật Bản, bóng đá trẻ được chăm chút rất kỹ. Ảnh: Getty Images.

- Bắt đầu từ 10 tuổi, các cầu thủ đã được đào tạo chiến thuật, chứ không còn kỹ thuật nữa. Khi đó, cầu thủ được hướng dẫn cách chuyền bóng như thế nào cho hợp lý, khả năng di chuyển phù hợp với từng vị trí trên sân. Tôi nghĩ đây là sự khác biệt của đào tạo bóng đá trẻ Nhật Bản.

- Tại Nhật Bản, vấn đề đạo đức trong đào tạo cầu thủ trẻ được thực hiện như thế nào?

 - Ở đất nước của tôi, cầu thủ trẻ luôn được dạy sự trên dưới, tôn sư trọng đạo và nghe lời HLV. Nói cách khác, HLV là người tối thượng và các em phải luôn làm theo chỉ dẫn của những người thầy về tính tổ chức, chiến thuật, kỹ thuật.

- Vậy bí quyết nào giúp Nhật Bản thành công trong đào tạo trẻ?

 - Chúng tôi đào tạo cầu thủ sao cho họ có định hướng rõ ràng. Cụ thể, người Nhật Bản dạy cầu thủ sống có mục tiêu, xác định sẽ trở thành ai và làm gì trong tương lai.

- Gần đây, Đông Nam Á "xuất ngoại" nhiều cầu thủ sang Nhật thi đấu như Tuấn Anh, Công Phượng, Chanathip Songkrasin, Chan Vathanaka. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được thành công như mong đợi. Quan điểm của ông nghĩ sao về vấn đề này.

 - Những tháng qua, tôi có theo dõi Chanathip thi đấu trong màu áo Consadole Sapporo. Anh ta thành công hay không thì chưa biết, tuy nhiên tiền vệ người Thái Lan có tốc độ và sự tinh quái. Điều này hứa hẹn giúp Chanathip có tương lai tươi sáng tại Nhật Bản.

HLV Nhat Ban chi ra diem yeu cua cau thu Viet Nam anh 3
HLV Ono Shingi của U21 Yokohama (phải) nhiều lần sang Việt Nam dẫn quân đá giao hữu.

Còn trường hợp của Công Phượng, theo tôi anh ấy nên được đá cắm, chứ không thể lùi quá sâu ở hàng tiền vệ. Công Phượng rất có tố chất ghi bàn nhờ khả năng rê dắt, qua người tốt. Tôi không hiểu tại sao HLV lại để chân sút này đá quá xa khung thành, điều này làm mất đi bản năng ghi bàn.

- Theo ông, cầu thủ Đông Nam Á cần cải thiện điều gì để vươn xa hơn?

 - Tôi nghĩ họ nên phát huy điểm mạnh nhất của mình và đừng thay đổi những gì thuộc về sở trường. Ví dụ Chanathip rất mạnh về khả năng tỳ đè và có tốc độ, như vậy HLV nên để anh ta đá phía trên, gây sức ép lên khung thành đối thủ nhiều hơn.

- Còn Công Phượng thì sao?

HLV Nhat Ban chi ra diem yeu cua cau thu Viet Nam anh 4
Thành tích của Công Phượng tại giải giao hữu quốc tế diễn ra ở Thái Lan mới đây.

- Người ta không thể bắt anh ta thay đổi lối chơi như rê dắt hay liên tục dứt điểm ở mọi vị trí. Những điều đó thuộc về kỹ năng của Công Phượng. Và một HLV giỏi phải biết cách làm sao khai thác điểm mạnh đó, hoặc biến những tố chất này mạnh hơn.

- Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa cầu thủ Nhật Bản và Đông Nam Á?

 - Cầu thủ của chúng tôi nhận thức được sẽ làm gì trong tương lai. Ví dụ, cầu thủ số 7 của tôi (Saito Koki - PV) khi trả lời phỏng vấn cho biết muốn chơi bóng châu Âu. Đó là khát khao rất lớn, một sự định hướng có kế hoạch. Ở Nhật Bản, bóng đá là nghề nghiệp.

- Tại Nhật Bản, làm sao để một cầu thủ không mắc bệnh "sao", hoặc miễn nhiễm với sức ép truyền thông?

 - Điều đó thuộc về trật tự xã hội. Ai cho rằng mình là ngôi sao, lập tức được HLV "chỉnh" bằng cách cho dự bị. Ai có thái độ láu cá, HLV sẽ giáo dục liên tục. Với bóng đá Nhật Bản, rèn luyện ý thức từ nhỏ rất quan trọng.

- Tại giải U21 quốc tế lần này, ông có thiết quân luật cho cầu thủ không?

 - Mỗi người có nhiều cách khác nhau để xử lý vấn đề. Với tôi, tự ý thức tốt hơn ép buộc.

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

HLV Nhat Ban chi ra diem yeu cua cau thu Viet Nam anh 5
Thành tích đối đầu giữa Việt Nam và Thái Lan.
Màn trình diễn của Công Phượng trước U23 Thái Lan Với cú đúp vào lưới U23 Thái Lan, Công Phượng góp công lớn giúp U23 Việt Nam giành giải 3 tại M150 Cup, đồng thời là cầu thủ hay nhất trận đấu.

Nguyên Trí (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm