Ông Troussier chia sẻ cùng truyền thông Nhật Bản về trận gặp Việt Nam ở Asian Cup 2023 hồi tháng 1. Ảnh: AFC. |
“Tôi nghĩ nếu tuyển Việt Nam đánh bại Nhật Bản, truyền thông Việt Nam chắc chắn sẽ nói Nhật là đội bóng dở tệ. Họ chỉ trích đối thủ kém cỏi, nhưng sự thật trong bóng đá không đơn giản như vậy. Phân tích từ những kết quả bất lợi kiểu này, chúng ta sẽ hiểu Nhật Bản còn thiếu điều gì để vào được top 8 hay top 4 World Cup”, ông Troussier chia sẻ với nhà báo Shuichi Tamura, người chuyên trách theo dõi HLV này tại Nhật Bản.
“Đấy là chất lượng đội hình. Sức mạnh của cả cỗ máy phụ thuộc vào động cơ chính, nói theo cách trực diện hơn là phụ thuộc vào năng lực của mỗi cầu thủ. Những đội tuyển lớn phải có cầu thủ tên tuổi chơi cho các CLB hàng đầu châu Âu. Họ luôn phải ra sân ở Champions League", HLV người Nhật nói về khác biệt quyết định giữa tuyển Nhật Bản và Việt Nam.
Ông tiếp tục: "Có bao nhiêu tuyển thủ Nhật làm được điều đó? Họ có được chơi bóng ở Champions League không? Takehiro Tomiyasu của Arsenal, Takefusa Kubo của Real Sociedad... Mới có bảy hay tám tuyển thủ Nhật đang chơi cho những đội hàng đầu. Đội bóng chỉ tiến lên đẳng cấp khác nếu các tuyển thủ thường xuyên góp mặt tại Champions League hơn”.
Ở trận đấu hôm 14/1, Việt Nam thua Nhật 2-4. Cả 4 bàn của tuyển Nhật đều được ghi bởi những cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu. Đẳng cấp của Takumi Minamino hay Keito Nakamura là khác biệt rất lớn giữa hai đội khi các pha xử lý của nhóm ngôi sao này đều ở trình độ cao, không cho Nguyễn Filip cơ hội nào để cản phá.
“Tôi chỉ bảo họ một câu thôi: 'Gắng đừng để Nhật Bản thắng'”, ông Troussier cười tinh nghịch khi nhớ lại trận đấu ở Qatar.
Dù thua Nhật, tuyển Việt Nam khi ấy đã tạo được tiếng vang bằng lối đá kiểm soát, giàu tính tổ chức. Hai bàn vào lưới nền bóng đá số một châu Á cũng giúp thầy trò Troussier nhận được nhiều lời ngợi khen. Tuy nhiên, hành trình Asian Cup 2023 cuối cùng vẫn khép lại sớm khi tuyển Việt Nam thua tiếp Indonesia, Iraq và bị loại.
Khác biệt về con người là yếu tố ảnh hưởng lớn tới chiến thắng của tuyển Nhật Bản trước Việt Nam. Ảnh: Japan Times. |
Về sự chuẩn bị trước Nhật Bản, ông Troussier nhớ lại: “Hướng tới Asian Cup, tôi đã xem mọi trận đấu của tuyển Nhật và quyết định xây dựng khối phòng ngự từ giữa sân. Mục tiêu là phá vỡ thế tấn công của Nhật Bản. Chúng tôi gây áp lực từ giữa sân và buộc họ phải tổ chức tấn công từ hàng hậu vệ. Chúng tôi buộc họ phải làm theo kế hoạch của ấy. So sánh tương quan giữa hai đội, Việt Nam sẽ phải phòng ngự tới 70% thời gian. Bởi thế, tôi yêu cầu đội bóng duy trì kỷ luật và sự tập trung”.
“Chúng tôi đã có thể phá vỡ phong cách chơi bóng đặc trưng của tuyển Nhật là tấn công nhanh thông qua những đường chuyền ngắn liên tiếp. Tuyển Nhật không chơi bóng dài nên chúng tôi dễ kiểm soát thế trận hơn. Tuyển Việt Nam đã để tâm tới những cầu thủ nguy hiểm như Keito Nakamura, Junya Ito và hậu vệ trái Hiroki Ito, người có xu hướng cầm bóng cắt vào trung lộ. Tuy nhiên, chúng tôi không có chiến lược cụ thể nào cho từng cá nhân ấy”, HLV người Pháp giải thích.
Trước Nhật Bản, bóng chết là vũ khí đặc biệt của tuyển Việt Nam khi cả hai bàn của Nguyễn Đình Bắc và Phạm Tuấn Hải đều tới từ các tình huống cố định. Đấy cũng là điểm yếu mà ông Troussier tin rằng Nhật cần khắc phục: “Chúng tôi không có tiền đạo cắm chất lượng nào. Bởi thế, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận cho các pha bóng cố định, thứ vũ khí duy nhất có thể gây sát thương cho đối thủ”.
Ông Troussier là cựu HLV tuyển Nhật Bản. Nhà cầm quân người Pháp từng đưa Nhật vượt qua vòng bảng Cúp thế giới 2002 trên sân nhà. Có liên hệ đặc biệt với xứ sở Phù Tang, ông Troussier dành cho tuyển Nhật những lời khuyên.
“Nếu tôi phải chỉ ra điểm yếu của Nhật Bản, đấy là phòng ngự. Một, tuyển Việt Nam đã ghi hai bàn vào lưới Nhật dễ dàng quá. Đấy là sự thiếu kinh nghiệm. Hai, Hiroki Ito và các hậu vệ trẻ của Nhật dường như hơi thiếu tự tin. Thứ ba, khả năng chuyển đổi giữa tấn công và phòng ngự của Nhật Bản chưa thực sự mượt mà. Nếu Nhật muốn thống trị châu Á một lần nữa, đó là vấn đề họ phải xử lý”.
“Phù thủy trắng” cũng đặc biệt nhấn mạnh đẳng cấp của các cầu thủ Nhật, thứ vũ khí mà tuyển Việt Nam không thể sở hữu dù có chuẩn bị cẩn thận tới đâu trước trận: “Bàn thứ hai của Nhật trước Việt Nam được ghi bởi một pha xử lý quá nhanh từ Minamino sau đường chuyền của đồng đội. Bàn thứ ba là kỹ năng cá nhân tuyệt vời của Nakamura còn bàn thứ tư ghi bởi Ueda. Đó đơn giản là sự bùng nổ từ những cá nhân quá chất lượng. Về phương diện chiến thuật, tuyển Việt Nam đã ứng phó được với hàng công tuyển Nhật, những kỹ năng cá nhân siêu đẳng của những cầu thủ trên vẫn đánh bại chúng tôi”.
Sau Asian Cup, các tuyển thủ Việt Nam đã trở về CLB để chuẩn bị cho V.League. Họ sẽ hội quân lại vào tháng 3 nhằm hướng tới hai trận vòng loại World Cup 2026 cùng Indonesia.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.