Tiểu xảo không phải là điều được khuyến khích, nhưng tiểu xảo là một phần của bóng đá. Tiểu xảo được cầu thủ sử dụng, huấn luyện viên (HLV) sử dụng và trong một phạm vi cho phép thì vẫn được gọi là kỹ xảo chơi bóng.
Bóng đá không phải trò chơi cho những kẻ ngoan hiền
HLV Park không khuyến khích cầu thủ chơi tiểu xảo, nhưng nói cho họ biết để tránh được những tiểu xảo không cần thiết.
Xưa nay, các cầu thủ Việt Nam thường có thói chơi bóng rất ngây thơ và đẹp mắt, đẹp đến nhiều khi ngây ngô, nhiều khi cảm tưởng là bóng đá Việt Nam đá để cho đẹp mắt chứ không hiệu quả. Nhưng từ khi HLV Park Hang-seo về thì có vẻ mọi thứ thay đổi.
Sách Phong cách quản trị Park Hang-seo. |
HLV Park Hang-seo không yêu cầu cầu thủ chơi xấu, trên sân tập, ông luôn yêu cầu cầu thủ phải giữ gìn chân cẳng cho đồng nghiệp, nhưng với đối thủ trên sân, ông khuyến khích phạm lỗi khi cần thiết.
Trên sân đối phương, ông khuyến khích cầu thủ phạm lỗi để giảm nhịp tấn công của họ. Cũng trên sân đối phương, ông yêu cầu Công Phượng cứ chơi loằng ngoằng cho cầu thủ đội bạn phạm lỗi để chúng ta có những quả phạt cố định.
Khi khiếu nại, cầu thủ Việt Nam thường rất ngây thơ, chờ đội trưởng đến mới khiếu nại. Tuy nhiên ban huấn luyện lại nhắc cầu thủ khi khiếu nại vấn đề gì, trong phạm vi cho phép cần phải tập hợp lại để cùng khiếu nại. Bóng đá không phải là trò chơi cho những kẻ ngoan hiền.
Rõ ràng, chúng ta đã học được rất nhiều điều từ lối chơi của các đội khác, Hàn Quốc luôn miệng chửi lảm nhảm, còn Qatar thì cố tình đá bóng làng sàng để gây ức chế.
Chính HLV Park Hang-seo cũng là vua của tiểu xảo, khi thấy trọng tài ép Việt Nam nhiều quả quá đáng như quả 11 m trong trận gặp Irắc và nhất là trận gặp Qatar, ông đã yêu cầu lên tiếng với trọng tài bàn liên tục, hết ông lại đến trợ lý Lee lên tiếng, thỉnh thoảng, một vài tình huống, ông cố tình làm để trọng tài phải ngưng trận đấu chạy ra biên, tranh thủ những lúc đó, chúng ta có thời gian nhắc nhở và chỉ đạo chiến thuật.
Sau hiệp một trận Qatar, ông đã đi thẳng đến gặp trọng tài người Singapore nhưng đều bị đội ngũ trợ lý ngăn lại. Bực mình, ông chạy thẳng lên ngay trước mặt đội ngũ trọng tài đang đi vào đường hầm, ông đi chầm chậm và thái độ thì ngúng nguẩy, chí ít, đội ngũ trong tài cũng đã hiểu rằng ban huấn luyện rất không hài lòng với quyết định của họ. Trợ lý Lee tranh thủ dùng tiếng Nhật để khiếu nại với trọng tài thứ 4, tất cả chúng tôi cũng đi theo, lên tiếng. Hiệp hai, vị trọng tài này thổi cũng đỡ hơn chút ít.
Dùng kỹ xảo nhưng tất cả phải trong phạm vi cho phép
Ông dặn thủ môn Tiến Dũng phải hết sức bình tĩnh, nếu thấy họ đang dẫn bàn mình thì phải tìm mọi cách để ngăn cản nhịp sút của đối phương bằng cách nào đó, ví dụ như đi lên, tạo áp lực hoặc kéo dài trận đấu.
Ông dặn bác sĩ tuyệt đối không vội vã vào sân, vì khi bác sĩ đã vào sân thì nghĩa là cầu thủ đó sẽ phải ra khỏi sân và chúng ta sẽ chỉ đấu 10 với 11. Khi cầu thủ thay người, ông cũng nói cứ từ từ mà ra nếu như chúng ta đang có lợi.
Khi thấy HLV Uzbekistan mặc áo cùng màu với cầu thủ thi đấu trên sân, ông đã tìm mọi cách khiếu nại để chính HLV này phải tìm cách thay đổi áo trong thời gian chỉ đạo trận đấu, làm giảm nhịp độ mà Uzbekistan dồn lên chúng ta.
Cuối trận đấu với Uzbekistan, trợ lý Lee thốt lên: các cầu thủ phải “người lớn” hơn nữa. Câu nói này tôi nhớ lại chính HLV Park Hang Seo đã nói trong trận giao hữu gặp Ulsan Hyundai, đó là cầu thủ Việt cần phải quái hơn. Nếu như biết chỉ còn 1 vài phút nữa sẽ kết thúc thì phá bóng là ưu tiên số 1. Cầu thủ Việt Nam đã quá ngây thơ? Trên thế giới, điển hình của lối chơi tiểu xảo cực kỳ kín kẽ và khéo léo chính là cầu thủ Nam Mỹ.
Nhưng tất cả đều phải trong phạm vi cho phép, và kể cả thẻ vàng nếu cần thiết thì cũng nên phạm lỗi và không cần phi thể thao.
Việt Nam chính là đội nhận giải thưởng Fair Play ở vòng chung kết lần này.
Lời bình: Những kẻ ngây thơ thường bao giờ cũng thất bại. Tiểu xảo trong phạm vi cho phép là một phần của cuộc chơi, hoặc bạn có để sử dụng, hoặc bạn bị người khác dùng tiểu xảo để chiến thắng. Hãy hiểu điều đó.