Một trận hòa 0-0 nữa, và nó mang lại những thông điệp rất rõ. Thứ nhất, chúng ta chưa thể tự quyết ở vòng đấu cuối, nhất là khi đối thủ ở lượt trận cuối ấy là U23 Triều Tiên. Và thứ hai, ông Park thực sự có quá nhiều khó khăn với những nhân tố trong tay mình, dù ông là người điều chỉnh rất giỏi trong thời gian trận đấu.
U23 Việt Nam có trận hòa thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Minh Chiến. |
Hàng phòng ngự để lại nhiều nỗi lo
Đầu tiên, phải thừa nhận một thực tế U23 Việt Nam không để thua bàn trước đối thủ lấn lướt hơn là vì chính đối thủ đó không có hàng công sắc bén. U23 Jordan có thể tạo áp lực mạnh mẽ đa số thời gian trận cầu, áp đặt lối chơi, có thể chơi cửa trên hoàn toàn nhưng họ bất lực trong việc kiếm tìm 3 điểm khi phương án tấn công quá đơn điệu và hàng công của họ thực sự cùn mòn.
Chính sự cùn mòn ấy của hàng công U23 Jordan bắt chúng ta phải nhớ một điều. Đó là sông sâu phải có thước dò. Ta giữ sạch mành lưới cũng bởi cái “thước đo” Jordan chưa đủ để đánh giá.
Trước mắt, phải khẳng định Bùi Tiến Dũng chơi một trận tiếp tục xuất sắc khi có những pha cứu thua tốt, ra vào hợp lý, phản xạ chuẩn xác. Tuy nhiên, nếu xem lại các pha dứt điểm của đối thủ, chúng ta cũng chẳng thể nào phủ nhận chúng quá hiền, và việc Dũng vô hiệu hoá chúng là tất nhiên.
Ở những phép thử không đủ sắc bén ấy, hàng thủ Việt Nam vẫn bộc lộ những điểm yếu cố hữu từ trận đấu trước. Đó chính là khe hở giữa các cầu thủ cánh (winger) với những trung vệ. Chính vì các khe hở ấy mà Jordan có cơ hội để dứt điểm. Và ông Park Hang-seo đã phải có những điều chỉnh, mà cụ thể là lần thay người sớm ở hiệp một. Khi thay người sớm như thế, nó cho thấy HLV nhìn thấy đội bóng của mình có vấn đề.
Tuy nhiên, cái được của hàng thủ U23 Việt Nam vẫn bộc lộ, dù không rõ nét, trong cuộc chơi mà họ tỏ ra yếu thế. Cái được ấy nằm ở chỗ chúng ta bọc lót bóng hai khá tốt, nên hạn chế được những hiểm nguy dồn dập. Thực sự, nếu phòng thủ bọc lót tuyến hai không tốt, trước áp lực dồn dập như vậy của Jordan, chúng ta khó lòng giữ sạch lưới bởi ở cường độ và mật độ cao, sai lầm có thể bộc lộ đủ để một cái thước không đủ dài cũng dò được lòng sông.
Nhìn nhận một cách sòng phẳng dù trận này U23 Việt Nam xuất phát với sơ đồ 3-4-3, thì nó vẫn có điểm rất chung với sơ đồ 3-5-2 ở trận trước. Điểm chung ấy chính là đòi hỏi về chất lượng đôi cánh. Ở trận này, đôi cánh U23 Việt Nam có khác về nhân sự so với trận trước, nhưng đôi cánh ấy vẫn chưa đạt yêu cầu.
Đình Trọng phải vào sân sớm để củng cố hàng phòng ngự. Ảnh: Quang Thịnh. |
Đòi hỏi lớn nhất cho đôi cánh trong 3-5-2 hay 3-4-3 là phải cơ động, linh hoạt giữa tấn công, phòng ngự và phản công. Tuy nhiên, đôi cánh của chúng ta chưa hề đạt đến độ linh hoạt đó, và chưa tạo ra sức mạnh cho một sơ đồ phòng ngự 3 người.
Tình huống điển hình là pha phản công ở phút 69. Đó là pha phản công mà nhiều khán giả phải ồ lên vì sự hấp dẫn và tốc độ của nó. Tuy nhiên, ở pha tạt bóng cuối cùng của Ngọc Bảo, mọi điểm yếu đã được bộc lộ. Đó là sự vội vàng đến cẩu thả, sự thiếu chuẩn xác do xuống sức và sự kém sáng tạo do tốc độ phân tích tình huống của Ngọc Bảo. Nó làm chúng ta nhớ hơn Văn Hậu, thậm chí là cả sự liều lĩnh nhiều khi đến mạo hiểm của Hậu.
Nhìn rộng hơn, chúng ta không hề có pha bóng nào mà cầu thủ chạy cánh xuống sát đường biên ngang để tạt bóng, không có pha bóng nào mà cầu thủ chạy cánh cắt vào trung lộ để tạo đột biến quân số và không gian. Nói thẳng, U23 Việt Nam không thể hiện được bài đánh trong trận cầu mà chúng ta cần 3 điểm để nuôi hy vọng tiếp tục giấc mơ Olympic.
U23 Việt Nam thiếu cầu thủ tạo nên đột phá
Tất nhiên, đội bóng là tập thể và muốn một vị trí vận hành tốt cũng cần sự hỗ trợ từ các vị trí khác. Và trung tâm hàng tiền vệ vẫn là mối lo tiếp tục và là mối lo lớn nhất khi chính sự yếu kém của hàng tiền vệ là nền tảng để đối thủ cầm trịch đa số thời gian trận đấu.
Chỉ khi ông Park có những điều chỉnh nhân sự, và Quang Hải có thêm sự hỗ trợ, tuyến giữa mới có sức sống trở lại. U23 Việt Nam cũng tăng tốc ở khoảng 20 phút cuối trận và nó mở ra câu hỏi: Đó là kết quả của điều chỉnh tại chỗ hay là một ý đồ từ trước khi ở trận gặp UAE chúng ta cũng tăng tốc ở thời gian cuối ấy.
Và chúng ta bây giờ sẽ cảm thấy nhớ một người như Công Phượng, người có thể tạo ra khác biệt ở những thời gian gay cấn của cuộc chơi. Trước Jordan thực ra không quá kinh khủng ở khâu phòng ngự, chúng ta thiếu nhân tố đột biến thực sự ở khoảng 20 m cách mặt thành đối thủ. Giả sử ông Park sở hữu cầu thủ như thế trong tay, có thể 10 phút cuối chúng ta có thể mỉm cười.
Hoàng Đức thi đấu chững chạc. Ảnh: Quang Thịnh. |
Tuy nhiên, không thể không khen ngợi Hoàng Đức, cầu thủ chơi khá tốt ở trận này. Đức ngày một trưởng thành hơn và nếu có được cú hích (như một bàn thắng quyết định vận mệnh đội bóng), rất có thể đó mới là nhân tố tạo ra sự thú vị của U23 Việt Nam ở giải đấu này.
Lượt trận cuối với chúng ta đầy những khó khăn. Giải đấu này với chúng ta cũng khó khăn gấp bội 2 năm trước nhưng cơ bản, chúng ta đã chơi chững chạc với tâm lý rất vững vàng, dù yếu hơn đối thủ và bị đề phòng hơn rất nhiều.
Tiến bộ của một nền bóng đá trông vào điều đó chứ không chỉ vào kết quả tức thời. Và bởi thế, U23 Việt Nam hôm nay vẫn rất đáng xem, thậm chí còn có thể nói đáng xem hơn lứa Thường Châu hai năm trước. Đơn giản, bởi họ đứng trước những thử thách gian nan hơn.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sông sâu phải có thước dò. Chúng ta cũng phải tự dò cái gọi là sông sâu ấy bằng chính bản lĩnh của mình. Tự mình tạo ra thước đo. Điều đó, tại sao không nhỉ?