Báo chí Thái Lan chưa có quá nhiều thông tin về cuộc họp trực tuyến chiều 29/7 giữa FAT với HLV Akira Nishino. Một quyết định không bất ngờ nhưng có phần vội vàng của những người làm bóng đá Thái Lan. Hợp đồng của hai bên còn thời hạn đến tháng 1/2022.
Chiến lược gia 66 tuổi đang trong thời gian cách ly y tế 14 ngày theo quy định khi vừa bay từ Nhật Bản trở lại Thái Lan. Nói một cách phũ phàng, HLV sinh năm 1955 có thể dọn luôn hành lý để ra sân bay quay về Nhật Bản.
HLV Nishino "đơn thương độc mã" trong 2 năm làm việc ở Thái Lan. Ảnh: Quang Thịnh. |
HLV Nishino nhận khoản tiền đền bù gần 12 tỷ đồng cho 6 tháng còn lại. Chỉ có 2 cầu thủ được ghi nhận là có động thái chia sẻ sau khi biết người thầy của mình mất việc. Đó là tiền vệ Charoensak Wongkorn và Sarach Yooyen với nội dung cảm ơn thời gian cả hai đã làm việc cùng nhau ở tuyển Thái Lan.
Trang chủ FAT thậm chí còn chưa đưa ra thông báo chính thức về cuộc chia tay này. Có lẽ hai bên còn một số thỏa thuận cần giải quyết sau khi đường ai nấy đi. Phải chăng đây là một quyết định không đúng lúc bởi nếu sa thải online, họ có thể làm khi HLV này ở Nhật.
Bản thân cựu HLV tuyển Nhật Bản ở World Cup 2018 không muốn họp trực tuyến. Ngoài lý do không rành công nghệ, ông Nishino muốn làm việc trực tiếp với lãnh đạo FAT cùng đầy đủ tài liệu, dẫn chứng và lý giải cho thất bại ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 ở UAE.
Trước đó một tháng, FAT đã họp với các trợ lý ở tuyển Thái Lan để rút kinh nghiệm ngay sau khi trở về từ UAE. Thời điểm đó, ông Nishino đã thông báo là sẽ trở về Nhật Bản thực hiện di nguyện của mẹ và rước đuốc Olympic. FAT vẫn tiến hành mà không cần có ông.
Trong lúc đó, trang chủ bóng đá Thái Lan chỉ đăng phát biểu của HLV người Nhật khi ông thừa nhận sai lầm. Trước áp lực từ dư luận, FAT đăng tải một bản tin khác với nội dung xin lỗi người hâm mộ bóng đá nước nhà. Hai thông điệp này đẩy 2 phía ngày càng xa nhau.
FAT dường như có những động thái rục rịch cho việc thay tướng sau khi ông Nishino hết hợp đồng. Bằng chứng là nhiều công ty đại diện gửi hồ sơ ứng viên đến Thái Lan. Trong số này có cả cựu HLV CLB TP.HCM Chung Hae-seong và ông Lee Lim-seang từ K League.
Truyền thông Thái Lan và cầu thủ không ủng hộ nhà cầm quân người Nhật. Ảnh: Quang Thịnh. |
Mọi thứ như chống lại chiến lược gia người Nhật Bản. Không rõ lý do vì sao ngôi sao tuyển Thái Lan, Chanathip Songkrasin lại phát biểu đúng lúc "dầu sôi lửa bỏng". Anh cho rằng bóng đá Thái Lan nên do một HLV bản địa dẫn dắt với nhiều lý do hợp lý và thuyết phục.
Câu nói như "châm dầu vào lửa" của "Messi Thái" phần nào lý giải cho việc có quá ít tuyển thủ trong đội hình "Voi Chiến" tri ân HLV người Nhật Bản. Điều đó khiến CĐV Thái Lan phải nhớ lại chấn thương bất ngờ của Chanathip trước ngày hội quân đi UAE, hay lời từ chối thẳng thừng của hậu vệ Theerathon Bunmathan vừa qua.
Kết quả là Thái Lan chỉ có thêm 1 điểm sau 3 trận, từ kết quả hòa 2-2 trước Indonesia. Thầy trò ông Nishino mang đến 39 cầu thủ sang Dubai do trước đó có cầu thủ nhiễm Covid-19. Họ có 2 thất bại 1-3 trước UAE và 0-1 trước Malaysia, đứng áp chót bảng G với 9 điểm.
Trong khi tuyển Việt Nam lần đầu vào vòng loại thứ 3 thì Thái Lan dừng cuộc chơi một cách không thể tệ hơn. Thái độ sau đó của ông Nishino bị coi là không phù hợp. Ông không có sự ủng hộ của truyền thông Thái Lan nên có nhiều thông tin bất lợi trên mặt báo.
Cuộc chia tay giữa 2 bên là điều được dự báo trước, nó có thể đến khi hai bên hết hạn hợp đồng. Nhưng với một HLV đẳng cấp thế giới, việc bị sa thải trước 6 tháng là điều không hề dễ chịu. Đặc biệt với một HLV Nhật Bản, họ sẽ từ chức nếu không làm tốt nhiệm vụ.
Cựu HLV tuyển Nhật Bản đến vào tháng 7/2019, gia hạn hợp đồng vào tháng 1/2020 và nhận mức lương 2,75 triệu baht/tháng (2 tỷ đồng/tháng) với mục tiêu giúp bóng đá Thái Lan vươn tầm châu lục.
FAT nhiều khả năng sẽ tìm một HLV Thái Lan đảm nhận tạm vai trò ở U23 và ĐTQG tại vòng loại U23 châu Á 2022 và AFF Cup 2020.