Nhưng điều đó không bất ngờ, bởi ông thầy Nhật Bản đang hết sức căng thẳng với “virus HAGL”.
Sau chiến thắng của U21 HAGL tại giải U21 Quốc tế, niềm tin và tình yêu của người hâm mộ cả nước dành cho đám trẻ nhà bầu Đức lại bùng cháy mãnh liệt. Nhiều ý kiến còn cho rằng chỉ cần “bốc” cả lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy… đi SEA Games 2017 là thỏa mãn giấc mơ.
Ý kiến trên nhận được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi, nhưng nó cũng chỉ là… giấc mơ, chừng nào ông Miura vẫn cầm lái các đội tuyển Việt Nam. Chiến lược gia người Nhật Bản có triết lý riêng, và ông luôn bảo vệ nó đến tận cùng.
HLV Miura nổi cáu sau khi được hỏi về HAGL trong buổi tập sáng 2/12. Ảnh: Tùng Lê. |
Khi thành lập danh sách đội tuyển U23 chuẩn bị cho VCK U23 châu Á đầu năm 2016, nhà cầm quân người Nhật rất có ý thức tạo nền móng cho SEA Games 2 năm nữa. Tuy nhiên, nhìn vào lực lượng mà ông Miura lựa chọn, không khó để nhận ra cơ hội dành cho các thành viên HAGL là tương đối nhỏ.
Miura ưa thích sử dụng các cầu thủ đa năng, cơ bắp và có lợi thế về tranh chấp ở hầu hết các vị trí trên sân. Ông cũng không ngần ngại tuyên bố sẽ giữ nguyên bộ khung quen thuộc đã “chinh chiến” qua nhiều giải đấu. Nghĩa là sự ưu ái được dành cho các “cựu binh” như Ngọc Thắng, Huy Toàn, Thanh Hiền, Mạnh Hùng, Tiến Dũng…
Quan điểm này của ông Miura gần như đối nghịch với thứ bóng đá đã ngấm vào máu của HAGL: mềm mại, uyển chuyển, kỹ thuật. Chính những phẩm chất làm say lòng khán giả ấy lại khiến Tuấn Anh bị Miura loại bỏ, Văn Toàn hầu như không được ra sân, còn Công Phượng nhiều lần phải chơi trái sở trường.
Ngay trong đợt tập trung này, ông Miura cũng bỏ ngỏ suất thứ 30 với hy vọng vào giờ chót có được sự phục vụ của Quế Ngọc Hải. Nhưng trước sự kiên quyết của VFF, trung vệ SLNA “hết cửa” và người thay thế là Xuân Trường, cầu thủ HAGL mà trước đó Miura không hề có ý định triệu tập. Đó cũng là một sự chấp nhận miễn cưỡng của ông.
Phải nhìn nhận một cách công bằng, Miura không “thù địch” gì với các cầu thủ HAGL và ông toàn quyền quyết định mọi vấn đề nhân sự, chiến thuật là hợp lý. Nhưng tư duy cầm quân của ông thì gần như “xoá sổ” cái chất HAGL, và điều đó đẩy ông vào thế mâu thuẫn với đám đông, trong đó có những người không chỉ yêu mến mà còn tôn sùng HAGL thái quá.
Miura, vì thế, ở thời điểm hiện tại, đang phải chịu quá nhiều sức ép.
Chiến lược gia người Nhật Bản có triết lý của riêng mình và thường theo đuổi đến cùng. Ảnh: Tùng Lê. |
Sức ép từ ông Phó chủ tịch VFF, người ra mặt chê bai, đả kích Miura suốt nửa năm qua. Bầu Đức, trong buổi tối U21 HAGL vượt qua U19 Hàn Quốc để đăng quang, đã hướng ngay đến Miura để mỉa mai: “Ông ấy bận việc gì mà không ở đây để xem một trận đấu chất lượng như thế này?”.
Sức ép từ những thất bại của Miura trong các giải đấu gần đây, như SEA Games 28 và vòng loại World Cup. Từ vị thế của một người dám nghĩ, dám làm sau ASIAD 2014, chỉ qua 1 năm, ông Miura bỗng trở thành “tội đồ” khi bắt khán giả Việt Nam phải “nuốt” thứ bóng đá xơ cứng và vô cảm.
Sức ép từ bản hợp đồng sắp đáo hạn với VFF vào tháng 4/2016. Dù không ai có động thái ra “tối hậu thư”, nhưng chiếc ghế của Miura chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu U23 Việt Nam chơi kém cỏi trước những ông lớn của khu vực như Hàn Quốc hay Australia tại VCK U23 châu Á.
Và trong bối cảnh ấy, sự thăng hoa của lứa trẻ HAGL cũng chính là một thứ sức ép cực kỳ khó chịu cho ông thầy đến từ xứ sở hoa anh đào. HAGL càng chơi hay, Miura càng bị chỉ trích mạnh nếu tiếp tục bỏ rơi những sản phẩm của lò đào tạo phố núi.
Vô tình, HAGL bị biến thành một thứ “virus” khiến Miura đau đầu và sẵn sàng nổi đóa mỗi khi có người chạm đến.