U23 Việt Nam dưới triều đại HLV Miura thì chuyện chấn thương như cơm bữa. Mỗi kỳ một danh sách và danh sách nào cũng nối dài theo thời gian. Nói không quá, ông thầy người Nhật Bản chưa bao giờ tung được đội hình mạnh nhất ra sân và cũng chưa bao giờ bảo toàn được tinh hoa của tuyển.
Nếu nhìn vào danh sách hiện nay, những người yêu bóng đá Việt Nam không khỏi ngao ngán với thực tế buồn của đội U23. Tuần trước, hai tiền vệ năng nổ Ngọc Thắng và Huy Toàn phải trở về địa phương, kết thúc chuyến phiêu lưu ngắn ngủi. Không có họ, U23 Việt Nam không chỉ yếu đi mà cá nhân HLV Miura cũng mất đi “cứu tinh” trong những tình huống ngặt nghèo. Đặc biệt là kèo trái Võ Huy Toàn. Cầu thủ này được xem là ngôi sao hiếm hoi tỏa sáng rực rỡ dưới bàn tay cầm quân của Miura. Nếu không có Huy Toàn, chiến lược gia 52 tuổi có thể đã “gãy ghế” vài lần.
Tiền vệ Tuấn Anh bị đau trong buổi tập của U23 ngày 10/12. Ảnh: Tùng Lê. |
Tất nhiên, người ta có thể phản biện là Ngọc Thắng, Huy Toàn bị chấn thương từ CLB và ông Miura không có trách nhiệm với việc họ đứt gánh giữa đường, nhưng còn gần chục trường hợp khác gặp vấn đề khi tập ở Tuyển.
Trong các buổi tập gần đây, những cái tên không thể tập vẫn ngày một dài. Người ta thấy Tuấn Tài, Thanh Hiền, Duy Khánh, Hồng Duy, Hữu Dũng, Duy Mạnh, Văn Khánh chỉ được phép… đi bộ. Xuân Trường chưa có thể lực tốt nhất, Công Phượng băng kín cẳng tay, trong khi Tuấn Anh ngồi bệt xuống cỏ và phải nhờ đến lúc các bác sĩ “xịt gôm” mù mịt mới có thể đứng dậy.
Chấn thương là một phần trong bóng đá và trên thế giới, không đội bóng nào không dính “bão”. Nhưng vấn đề các đội bóng dưới sự huấn luyện của Miura là thường… ốm hàng loạt và chưa bao giờ danh sách không vượt quá nửa đội hình dang dở. Ai đó đổ lỗi cho cầu thủ chưa đủ tích lũy, đổ lỗi cho sự tập luyện “chưa tới” ở CLB và phần nào, là vai trò mờ nhạt của các trợ lý.
Tuy vậy, nếu đặt trách nhiệm cao nhất trong vấn đề chấn thương cầu thủ, chính HLV Miura là người phải đưa ra lời giải thích. Vì một HLV trưởng phải nắm được tình hình lực lượng, trình độ thể lực và sâu hơn nữa là đặc điểm cơ địa của cầu thủ mình triệu tập. Từ đó mới lựa chọn phương án huấn luyện tối ưu nhất.
HLV Miura có đủ công cụ và phương tiện để làm việc này. Ông có thể tư vấn trợ lý, kiểm tra bằng các bài test của bác sĩ hoặc phỏng vấn trực tiếp những cầu thủ mà ông nghi là không khỏe. Nhưng liệu HLV người Nhật Bản có thực hiện tất cả những điều ấy? Một khi ông chưa làm hoặc làm nửa chừng, trong khi vẫn rốt ráo áp đặt giáo án thì chấn thương của cầu thủ còn nghiêm trọng.
HLV Miura phải chịu trách nhiệm về chấn thương của các học trò. Ảnh: Tùng Lê. |
Vai trò của trợ lý người Việt – theo quan sát của nhiều người – thì hoàn toàn mờ nhạt. Họ mờ nhạt theo cách co mình vì đồng lương và vì miếng cơm manh áo. Họ co mình vì sự thủ thế cần thiết về vai vế. Bởi có thể, lời góp ý của họ đã đôi ba lần bị bỏ ngoài tai?
Còn các bác sĩ? Nếu đúng trách nhiệm, họ quan trọng chẳng khác gì trợ lý chuyên môn. Nhưng ở tuyển lâu nay, họ quen nghe lời hơn là phản biện. Tức là, bác sĩ nhận lệnh HLV trưởng, bảo gì làm nấy, có sự cố thì khắc phục, ai đau thì điều trị. Vai trò đồng nghiệp - cộng tác – kết hợp hình như chưa có tiền lệ.
Một tháng nữa, U23 Việt Nam bước vào đấu trường lớn, mở đầu cho năm bản lề 2016. Nhưng nếu như chấn thương vẫn là vấn nạn không có lời giải, ông thầy người Nhật Bản cũng khó hoàn thành chỉ tiêu!