Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

HLV Lê Huỳnh Đức: Hết duyên Đà Nẵng, chờ ngày về bóng đá Sài Gòn

Rời Sài Gòn trong cay đắng, Lê Huỳnh Đức đã được Đà Nẵng dang tay đón nhận. Vượt qua những trắc trở trong sự nghiệp, ông đã giúp bóng đá nơi đây cất cánh trong 10 năm cầm quân.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 1

Rời Sài Gòn trong cay đắng, Lê Huỳnh Đức đã được Đà Nẵng dang tay đón nhận. Vượt qua những trắc trở trong sự nghiệp, ông đã giúp bóng đá nơi đây cất cánh trong 10 năm cầm quân.

Lê Huỳnh Đức vốn người gốc Huế, sinh năm 1972 trong một gia đình có truyền thống bóng đá. Bố ông là Lê Văn Tâm, cựu danh thủ nổi tiếng của miền Nam. Ông bắt đầu sự nghiệp trong màu áo Quân khu 7, sau đó chuyển sang khoác áo Công an TP.HCM.

Tại đây, sự nghiệp của Huỳnh Đức thăng hoa khi cùng đồng đội vô địch quốc gia mùa giải 1995. Ông cũng là chân sút chủ lực của tuyển Việt Nam đoạt HCB SEA Games 1995 - chiến tích đầu tiên khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực. Còn cá nhân ông nhận Quả bóng vàng Việt Nam 1995 khi giải thưởng này lần đầu tiên được tổ chức.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 2

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 3

Đang lên như diều gặp gió, Lê Huỳnh Đức dính "phốt" nặng. Ông là một trong những cầu thủ rượt đuổi theo trọng tài Tuấn Hùng ở trận chung kết VĐQG năm 1996 khi Công an TP.HCM thua chủ nhà Đồng Tháp 1-3. Sau này khi nhìn lại, ông phân trần mình chỉ chạy theo để hỏi về một số quyết định trong trận đấu.

Tuy nhiên thái độ có phần hung hãn cùng việc người đồng đội Chu Văn Mùi vung tay đánh trọng tài khiến Lê Huỳnh Đức nhận án phạt bị cấm thi đấu 1 năm từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Về sau, án treo giò của ông được giảm xuống còn 6 tháng.

Sau cú sốc đó, Lê Huỳnh Đức điềm đạm hơn trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Dần dần, ông trở thành thủ lĩnh của CLB lẫn ĐTQG. Tuy nhiên song hành với đó là muôn vàn đồn đại chẳng mấy hay ho. Tại Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Cup), Huỳnh Đức ghi bàn từ chấm đá phạt giúp tuyển Việt Nam hòa Lào 1-1. Nhiều người bảo đó là cú đá “bể nồi cơm” của đồng đội.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 4

Trong thời buổi “tranh tối, tranh sáng” của bóng đá Việt Nam, những chuyện nghi hoặc như Huỳnh Đức nhan nhản. Ông buộc phải sống chung với nó, như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng có lẽ không có ai vì những chuyện này phải bán xới khỏi quê hương, tính đến đường đoạn tuyệt với bóng đá như Huỳnh Đức.

Sóng gió lớn nhất trong cuộc đời của Lê Huỳnh Đức đến vào năm 2003 khi ông bị cho là người cầm đầu nhóm “quyền lực đen” thao túng CLB Ngân hàng Đông Á (tiền thân là Công an TP.HCM). Vì chuyện này, ông phải cay đắng rời khỏi bóng đá TP.HCM và tính đến chuyện từ bỏ sự nghiệp.

Nhiều người bảo đó là một cuộc “trốn chạy” và những nghi ngại dành cho Lê Huỳnh Đức chính xác. Cựu tiền đạo này cho rằng nếu lúc đó ông buông xuôi chẳng khác gì lời nhận tội mà người khác đã cố tình quy chụp cho mình.

CLB Perak (Indonesia) ngỏ ý muốn chiêu mộ Huỳnh Đức. Tuy nhiên một cuộc nói chuyện tình cờ với cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đưa đến cho Lê Huỳnh Đức một ngã rẽ mới. Lúc đó ông Thanh đã cho người hỏi rõ về những lùm xùm của Huỳnh Đức. Khi đã biết chắc tiền đạo này không liên quan, ông Thanh chỉ đạo lãnh đạo bóng đá địa phương mời Huỳnh Đức về kèm lời nhắn gửi “phải trân trọng người tài”.

Lê Huỳnh Đức chính thức cập bến Đà Nẵng năm 2003, mở ra một chương mới trong cuộc đời của mình cũng như bóng đá nơi đây. Gia đình cũng theo chân danh thủ này lập nghiệp ở miền đất mới. Có lẽ Lê Huỳnh Đức cũng không ngờ, ông gắn bó với Đà Nẵng lâu đến thế.

Đến nay, gia đình ông đã ở Đà Nẵng được 14 năm. Vợ ông có một cửa hàng riêng để phụ giúp kinh tế cho chồng. Ba đứa con của ông giờ đã nói rặt giọng địa phương. Bình yên từ gia đình có lẽ bệ phóng để Huỳnh Đức tạo nên sự nghiệp hiển hách cho bản thân.

Kể từ khi chính thức nhận chức thuyền trưởng CLB Đà Nẵng năm 2008, Lê Huỳnh Đức có tròn 10 năm làm HLV tại giải đấu số một Việt Nam. Ông là HLV dẫn dắt một đội bóng lâu nhất tại V.League. Chiến lược gia sinh năm 1972 giúp đội bóng sông Hàn đoạt tất cả danh hiệu cao quý nhất của bóng đá Việt Nam với 2 lần lên ngôi V.League, 1 Cúp Quốc gia, 2 Siêu cúp Quốc gia.

Nhiều người Đà Nẵng có thể không ưa Lê Huỳnh Đức nhưng những gì ông đã làm được cho bóng đá nơi đây xứng đáng nhận được sự trân trọng.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 5

Có lần khi đang trò chuyện, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói vui đại ý rằng ở Đà Nẵng giờ Lê Huỳnh Đức còn nổi tiếng hơn cả mình. Đó là sự trọng thị hiếm có mà lãnh đạo địa phương dành cho Đức khi ông giúp CLB vô địch V.League ở năm thứ 2 cầm quân.

Hẳn nhiên người được lãnh đạo địa phương cũng như ông chủ doanh nghiệp (bầu Hiển) tin tưởng như Lê Huỳnh Đức phải có điều gì đó đặc biệt.

Lớp danh thủ đưa bóng đá Việt Nam hội nhập nhanh chóng với bóng đá khu vực hơn 2 thập niên trước để lại dấu ấn không thể phai mờ cho người hâm mộ. Đến nay Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sĩ, Hoàng Bửu, Mạnh Cường, Hữu Thắng, Đức Thắng… vẫn được nhiều người xem là thế hệ vàng dù rằng thành tích cao nhất của họ chỉ là tấm HCB SEA Games, Tiger Cup.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 6

Trong số này, Huỳnh Đức thành công hơn cả. Ngay từ khi còn là cầu thủ, ông đã được bầu làm Đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. Danh thủ gốc Huế cũng tiên phong trong việc đại diện hình ảnh cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Pepsi hay Philipp. Xa hơn, ông từng sang Trung Quốc đầu quân cho Chongquin Lifan năm 2001 - là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.

Năm 2002, khi những đồng đội một thời đã giải nghệ hoặc chuyển sang công tác huấn luyện, Lê Huỳnh Đức vẫn còn ở lại cống hiến cho ĐTQG. Tại Tiger Cup năm đó, ông được HLV Calisto tin tưởng cho đeo băng đội trưởng. Ông vừa là thủ lĩnh tinh thần vừa làm điểm tựa về chuyên môn cho lớp cầu thủ mới như Minh Phương, Tài Em, Văn Quyến, Xuân Thành… đoạt HCĐ quý giá.

Nhờ những cống hiến đó, Huỳnh Đức đoạt QBV cùng năm. Đến nay, ông vẫn là cầu thủ lớn tuổi nhất nhận được danh hiệu cao quý này. Cựu cầu thủ sinh năm 1972 chỉ kết thúc sự nghiệp thật sự vào năm 2006 khi cùng đội Đà Nẵng vô địch môn bóng đá tại Đại hội TDTT toàn quốc.

Sự nghiệp cầu thủ đầy sóng gió tạo nên Lê Huỳnh Đức vỏ bọc gai góc, khó gần và gần như tuyệt giao với truyền thông khi lên cầm quân. Nhưng bên trong, ông được các HLV lão làng xem là người cầu thị và biết cách tạo ra một thứ quyền lực gần như tuyệt đối cho mình.

“Chiếc ghế có 4 chân, cầu thủ giữ hết 3”, câu nói nổi tiếng của HLV Đặng Trần Chỉnh có thể đúng với hầu hết HLV, nhưng trừ Lê Huỳnh Đức. Ở đội bóng sông Hàn, ông làm chủ tịch Hội đồng HLV nơi đây, có tiếng nói quyết định đến mọi vấn đề chuyên môn. Nói cách khác, Lê Huỳnh Đức giống một nhà quản lý bóng đá hơn là một HLV đơn thuần.

Ông trị quân bằng sự minh bạch, rạch ròi. Vì thế ở SHB.Đà Nẵng không có chuyện cầu thủ dám bật Lê Huỳnh Đức suốt 10 năm nay. Đó là nền tảng giúp ông trở thành HLV trẻ nhất vô địch V.League năm 2009 khi mới 37 tuổi. Ba năm sau, cựu cầu thủ gốc Huế hoàn tất cú đúp.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 7

Bóng đá Đà Nẵng là nơi Huỳnh Đức chịu ơn. Ông từng bảo chỉ ra đi khi không còn được tín nhiệm. Chiến lược gia 45 tuổi đã quyết định nói lời chia tay sau khi V.League 2017 kết thúc. Ban lãnh đạo CLB Đà Nẵng xem đây là quyết định đầy tự trọng của Huỳnh Đức trước thành tích bết bát của đội bóng.

HLV Le Huynh Duc cua CLB Da Nang anh 8

Duyên của ông với bóng đá nơi đây có lẽ đã hết. Trong 10 năm cầm quân CLB Đà Nẵng, Huỳnh Đức đưa đội nhà lên đến đỉnh cao nhưng cũng có nhiều quyết định đi ngược lại mong muốn của người hâm mộ, chủ yếu là việc rất nhiều cầu thủ địa phương phải ra đi.

5 mùa giải gần đây, thành tích của CLB Đà Nẵng đi xuống. Đó cũng là giai đoạn cầu thủ trưởng thành từ địa phương như Châu Lê Phước Vĩnh, Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân, Hà Minh Tuấn, Đoàn Hùng Sơn… buộc phải tìm cho mình một chỗ đứng mới. Bên cạnh đó, bóng đá trẻ nơi đây cũng không tạo nên nhiều đột phá.

Là người đứng đầu về chuyên môn, Lê Huỳnh Đức chịu trách nhiệm cao nhất. 14 năm gắn bó với bóng đá Đà Nẵng có lẽ quá đủ để cựu danh thủ này tìm cho mình một thử thách mới. Vài năm trước, ông từng lấp lửng khi có người hỏi về dự định quay lại với bóng đá Sài Gòn. Nhưng có lẽ ngày đó không còn xa.

Năm ngoái, khi CLB Sài Gòn chuyển trụ sở hoạt động từ Hà Nội vào TP.HCM đã có những đồn đoán cho rằng ban lãnh đạo đội bóng muốn mời Lê Huỳnh Đức về dẫn dắt. Việc này nhằm vực dậy tình yêu bóng đá của người Sài Gòn, vốn đã nguội lạnh từ rất lâu. Không ai xứng đáng hơn Lê Huỳnh Đức - người rất nặng tình với bóng đá thành phố.

Nhưng vì muốn tập trung cho CLB Đà Nẵng, việc se duyên này cũng không thành. Khi đó, HLV Lê Huỳnh Đức cũng bỏ qua ý định cạnh tranh chiếc ghế HLV đội tuyển Việt Nam mà ông cùng Nguyễn Hữu Thắng là 2 ứng viên sáng giá nhất.

Nhưng nay khi không còn vướng bận với đội bóng nào, người hâm mộ có niềm tin chờ đợi một cuộc trở về với bóng đá Sài Gòn của Lê Huỳnh Đức.

Cầu thủ Đà Nẵng hụt hẫng, khóc trên sân khi HLV Huỳnh Đức thôi việc

Ban lãnh đạo CLB Đà Nẵng rất tiếc nuối khi HLV Lê Huỳnh Đức sẽ chia tay đội bóng sau mùa bóng 2017. Họ sẽ bàn bạc, làm việc lại với hy vọng ông Đức đổi ý.

Nguyễn Đăng

Đồ hoạ: Phương Linh
Ảnh: Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm