Lẽ thường, ít huấn luyện viên nào muốn thay đổi đội hình chiến thắng. Hữu Thắng lại là người tôn thờ sự ổn định và nhất quán trong cách thức xây dựng lối chơi.
Nhưng ĐT Iraq là một đối thủ hoàn toàn khác so với Đài Loan (Trung Quốc). Kể cả khi quá nhiều chuyện không hay và không may xảy ra cho nền bóng đá nước này, họ vẫn được giới chuyên môn đánh giá ở “cửa trên” so với ĐT Việt Nam. Là người dạn dày chinh chiến, ông Thắng thừa hiểu thế nào sức mạnh của đẳng cấp.
Iraq vừa bị đánh bom, đá sân trung lập, lại thay HLV trưởng, nhưng điều đó không thể triệt tiêu sự lợi hại của các cầu thủ mang tầm vóc quốc tế như Younes Mahmoud hay Ali Adnan. Họ đã quá quen với những thay đổi, những điều kiện khó khăn, thậm chí là chết chóc để được chơi bóng đá.
HLV Hữu Thắng tạo nên sự khác biệt khi sử dụng Xuân Trường và Tuấn Anh đá chính ở trận gặp Đài Loan (Trung Quốc). |
Trò chuyện với người viết từ những ngày xa xôi còn cầm quân ở SLNA, HLV Hữu Thắng từng phân tích vì sao một đội bóng “thay tướng” thường hay “đổi vận”. Ông bảo: “Đó là lúc HLV mới chưa thể để lại dấu ấn gì, điều then chốt là anh em cầu thủ họ tự bảo nhau chơi lại, làm lại, nhiều khi họ tự đá lại hay hơn chỉ đạo”.
Giờ thì đối thủ của ĐT Việt Nam đang rơi đúng vào hoàn cảnh ấy, nghĩa là tự đá. Ở trận lượt đi trên sân Mỹ Đình, cách lựa chọn lối chơi đơn điệu của HLV Yahya Alwan đã khiến Iraq bế tắc không tìm nổi đường vào cầu môn của ĐT Việt Nam. Nếu không có bàn gỡ 11 m ở phút bù giờ, rất có thể ông Alwan đã nói lời chia tay ngay từ thời điểm ấy.
Nhưng cũng cần thừa nhận, HLV Miura đã bố trí một sơ đồ chiến thuật hợp lý, cắt vụn những mảng miếng tấn công của Iraq. Đội hình ra sân ngày hôm đó của Miura hiện chỉ còn lại Nguyên Mạnh, Công Vinh, Duy Mạnh, Tiến Duy, và Đinh Tiến Thành - cầu thủ vừa được bổ sung vào danh sách đi Iran vào giờ chót.
Vì sao Hữu Thắng nhớ đến Đinh Tiến Thành? Chắc chắn, ông thầy xứ Nghệ vẫn ấn tượng với cách chống bóng bổng kiên cường và mạnh mẽ của cặp trung vệ Tiến Thành - Tiến Duy, những cầu thủ trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng đã được Miura bất ngờ đưa vào đối chọi với hàng tiền đạo “hổ báo” hàng đầu châu lục.
Tiến Thành, ngoài vấn đề kinh nghiệm, còn có điểm yếu khác là nóng nảy, cay cú ăn thua - thứ dẫn đến 2 điều tối kỵ với một trung vệ là phản lưới và dính thẻ. Nhưng Hữu Thắng lại nhìn Tiến Thành ở một góc khác: sự máu lửa, lăn xả cần có ở một trận đấu lớn.
Điều này dường như đang thiếu ở Đình Luật, một lá chắn lão luyện nhưng sự nghiệp đã sang phía bên kia sườn dốc. Sẽ không có ai bất ngờ nếu ở trận tới, Đình Luật được thay bằng một trung vệ trẻ hơn, táo bạo hơn đá cặp với Ngọc Hải.
Cũng với sự ưu ái sức trẻ, Đình Hoàng và Văn Thanh nhiều khả năng vẫn được giữ lại ở hai vị trí hậu vệ cánh. Tuy nhiên, các tiền vệ sẽ phải hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn trước xu thế xuống biên tạt bổng của đối phương.
Ở trận thắng Đài Loan, ĐT Việt Nam nhiều thời điểm chơi với 2 tiền đạo thực thụ là Công Vinh - Văn Toàn. Điều này khó lòng tái hiện trước ĐT Iraq. Có thể HLV Hữu Thắng sẽ kéo Văn Toàn lùi hẳn xuống để tạo thành hàng tiền vệ 5 người, tận dụng số đông để tranh chấp mà vẫn phát triển được bóng phản công khi chớp thời cơ. Tốc độ của Văn Toàn hoặc Thành Lương luôn là vũ khí lợi hại khi ĐT Việt Nam có khá nhiều chân chuyền dài tốt như Xuân Trường, Ngọc Hải.
Khá nhiều người vẫn chưa hết hoài nghi về phong độ của Tuấn Anh và cho rằng anh sẽ bị thay thế bởi một tiền vệ “cứng cáp” hơn, chẳng hạn như Duy Mạnh. Dù vậy, đây không phải là trận đấu mang tính “sống còn”, và ông Thắng không lý gì lại bỏ qua cơ hội đặt các cầu thủ trẻ HAGL vào một thử thách lớn đúng nghĩa. Về lâu dài, Tuấn Anh - Xuân Trường đã được “định vị” là trái tim của SEA Games 2017.
Ở trận cầm quân chính thức thứ 2 của mình, HLV Hữu Thắng dường như sẽ không hoán đổi nhiều về nhân sự. Thay vào đó, ông chọn giải pháp “mềm mại” hơn là gia giảm tỷ lệ tấn công - phòng ngự và chọn thời điểm thích hợp để cương - nhu. Nó không phải là câu chuyện của thời Miura, ĐT Việt Nam mỗi trận lại ra sân với một bộ mặt khác nhau.