Đội bóng trẻ của bầu Đức vừa thi đấu xong 2 giải U19 quốc gia và U19 quốc tế với thành tích không quá khả quan. Đặc biệt lối chơi của lứa cầu thủ được xây dựng trên khóa III học viện HAGL-JMG cùng các cầu thủ của hệ thống năng khiếu không để lại nhiều ấn tượng, như thế hệ đàn anh của Tuấn Anh, Xuân Trường.
Huấn luyện viên Guillaume Graechen trực tiếp huấn luyện các khóa của học viện nên không phủ nhận điều này. Đứng ở góc độ chuyên môn, ông đã có những lý giải cặn kẽ.
Kiếm cầu thủ giỏi bây giờ rất khó
- Sau hai giải U19, ông thấy lứa U19 thế nào?
- Nhìn chung chúng tôi cần làm việc nhiều hơn nữa. Ở giải đấu U19 quốc tế, các cầu thủ chơi không ổn định, thiếu tập trung. Như trận gặp U19 Chonburi, đội vừa ghi bàn thắng xong, lại nhận bàn thua. Họ sợ chiến thắng, chỉ khi bị dẫn 1-2 bàn mới vùng lên, lúc đó đã muộn rồi. Nhìn chung, họ phải học hỏi nhiều để nhập cuộc tốt hơn
Về phòng ngự, các cầu thủ áp sát không đều nhau, không gắn kết. Họ thi đấu lẻ tẻ, dễ bị đối phương qua mặt. Còn về khâu tấn công, họ cần hiệu quả hơn nữa. Rất nhiều việc mà tôi sẽ phải làm.
Tôi đang có câu hỏi cho khóa III là nhiều cầu thủ khi tập xong lại khó áp dụng những điều đã học vào trong trận đấu. Tôi không biết họ tập xong về nhà có suy nghĩ về những điều đã được dạy hay không? Điều đó phải chấn chỉnh.
U19 HAGL chỉ có 1 chiến thắng tại giải U19 quốc tế 2018 và giành HCĐ, xếp sau U19 tuyển chọn Việt Nam và U19 FC Seoul. |
- Có rất nhiều so sánh giữa lứa của Công Phượng, Tuấn Anh với U19 HAGL hiện tại. Theo ông, đâu là sự khác biệt chủ yếu giữa họ?
- Đơn giản thôi, khóa I của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều có nhiều cầu thủ tài năng hơn. Nhóm III lại không được như vậy.
- Nguyên nhân nào đã dẫn đến điều này?
- Có nhiều điều kiện khác biệt giữa các khóa với nhau. Khóa I được tuyển vào cùng một thời điểm, khóa III không được như vậy. Đó là sự khác nhau đầu tiên và cơ bản nhất. Từ 12 tuổi đến 16 tuổi, một số học viện khóa III không được tập những kỹ thuật cơ bản nhất của JMG. Các em học ở nhiều nơi khác nhau rồi chúng tôi lấy lại, nên các em mất đi bài học đầu tiên rất quan trọng.
Khóa I được đi nước ngoài, thi đấu cọ xát với những đối thủ mạnh, khắp nơi trên thế giới từ Anh, Pháp, Bỉ, Ai Cập, Thái Lan, nên học hỏi phát triển nhanh. Khóa III không có được những điều đó, nên có thể xem đó là thiệt thòi lớn cho họ.
- Việc tuyển sinh đầu vào của những học viên khóa III như thế nào, thưa ông?
- Đầu vào đóng vai trò quan trọng. Khóa I có đến gần 20.000 thí sinh dự tuyển, trong khi nhóm III năm 2013 chỉ có gần 4.000 người. Khóa của Công Phượng khi tuyển sinh gần như chỉ có HAGL. Chúng tôi độc tôn nên dễ dàng thu hút các nhân tài. Còn bây giờ các lò mở ra nhiều, sự cạnh tranh cao.
Nếu học viện có mở ra khóa V, tôi sẽ thay đổi cách tuyển sinh, không thu nhận học viên 1-2 năm/lần mà tháng nào cũng tuyển người. Nếu ai đến thử việc, có tài năng sẽ nhận. Đặc biệt, HAGL đang thiếu những tuyển trạch viên “vệ tinh” cắm ở các địa phương, các lò. Họ sẽ giới thiệu những người có khả năng. Nếu chúng tôi thiếu tiền đạo hay hậu vệ, ngay lập tức có người đề cử lên. Còn bây giờ khó để kiếm được cầu thủ giỏi.
Chỉ mong học trò tiến bộ thêm 5 %
- Tại sao lứa U19 hiện tại lại trộn lẫn cầu thủ của hai hệ thống đào tạo khác nhau?
- Đơn giản vì bên JMG không đủ cầu thủ để lập đội bóng nên phải lấy từ năng khiếu qua. Muốn đi đá giải cần ít nhất 20 cầu thủ. Còn JMG khóa III khi tuyển sinh đầu tiên chỉ có 6 người, thiếu nhiều nên phải bổ sung.
HLV Graechen đặt nhiều kỳ vọng vào khóa IV hơn các cầu thủ khóa III hiện tại. |
- Khóa I ,II tập với giày rất muộn, khác với lứa U19 bây giờ, liệu điều đó có ảnh hưởng đến chuyên môn của các cầu thủ?
- Tôi thấy không có nhiều khác biệt đâu. Khi 13 tuổi, nhiều cầu thủ khi đến đây cũng đã tập giày rồi. Nó không phải là vấn đề quá quan trọng, điều cốt lõi là tư duy chơi bóng và năng khiếu bẩm sinh của họ. Nếu các cầu thủ tập luyện chăm chỉ, nghiêm túc và có tài năng thì sẽ thành công thôi.
- Giám đốc học viện JMG toàn cầu Vincent Dufour đang ở Gai Lai, liệu các ông có kế hoạch gì đặc biệt không?
- Chắc chắn chúng tôi sẽ làm việc nhau để chọn lại những cầu thủ tốt nhất cho học viện, những người nào phải bỏ. Lứa U19 hiện tại không không đơn thuần chỉ có cầu thủ của JMG, mà đến từ hệ thống đào tạo của năng khiếu nên họ khó lòng hiểu hết triết lý như khóa trước. Có người muốn chơi ngắn, nhưng có người lại thích bóng dài, chưa hoàn toàn hiểu ý nhau. Nhiệm vụ của tôi là phát huy tốt nhất điểm mạnh của họ.
Tôi đặt nhiều hy vọng vào khóa IV. Để có được lối chơi như khóa Công Phượng, Tuấn Anh không chỉ cần 1-2 năm là được. Tôi cần nhiều thời gian để hiểu từng cá nhân, điểm mạnh và điểm yếu của họ để gắn kết lại với nhau. Tôi hy vọng nhóm IV sẽ tái hiện lại lối chơi mà các đàn anh đã làm được.
- Lứa U19 HAGL hiện tại sẽ tốt nghiệp sau 2 năm nữa. Ông có tin rằng mình sẽ giúp họ hoàn thiện về tài năng, lối chơi?
- Đương nhiên tôi tự tin, và đó cũng là công việc. Nếu không có niềm tin, tôi đã bỏ khóa này rồi. Nếu mỗi cầu thủ của khóa này tiến bộ thêm 5 % tôi đã vui rồi. Tuy nhiên, tôi cũng rất sợ nhiều cầu thủ ở ngưỡng cửa 17-18 tuổi, sẽ không còn khả năng để phát triển được nữa. Tôi thật sự lo về điều này.
- Liệu trong năm nay, lứa U19 có tham gia tập huấn, thi đấu ở nước ngoài hay không?
- Tôi hy vọng điều đó, nhưng tùy thuộc vào tài chính của CLB. Nếu nhóm III được đi tập huấn ở nước ngoài, đó là tín hiệu tốt của CLB.