Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HLV đen đủi bậc nhất ở UEFA Champions League

HLV Hector Cuper thua cả 6 trận chung kết mà ông tham dự, trong đó có 2 trận chung kết UEFA Champions League cùng Valencia.

Đứng bên cạnh 2 “hiện tượng” Benfica và Juventus, có một nhân vật hiện hữu như sự đen đủi bậc nhất mà thế giới bóng đá từng chứng kiến. Bởi thay vì bị lãng quên bởi dòng chảy thời gian, tên của ông có thể đã lưu danh sử sách nếu chiến thắng phân nửa số trận chung kết mà mình từng góp mặt. Đó là Hector Cuper, người từng dựng nên đế chế Valencia cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngày 5/2/2017, Ai Cập đối đầu Cameroon ở chung kết Cup các quốc gia Châu Phi (CAN). Cho đến trước thời điểm bóng lăn, các Pharaohs giữ kỳ tích thắng tất cả trận chung kết trong lịch sử CAN mà họ từng góp mặt.

Nhưng sau 90 phút ở Gabon, bàn thắng ở phút 88 của Vincent Aboubakar đã nhấn chìm Ai Cập lẫn hi vọng thanh tẩy số phận của Hector Cuper, HLV hiếm hoi trong lịch sử bóng đá thế giới thua cả 6 trận chung kết mà mình từng tham dự, trong đó quãng thời gian làm việc ở Tây Ban Nha của ông đáng nhớ hơn cả.

Nếu Valencia sở hữu vóc dáng hùng mạnh của bóng đá xứ bò tót, thì Real Mallorca có vị thế khiêm tốn hơn nhiều khi ngoài danh xưng là đại diện của xứ đảo Balearic, lịch sử trăm năm của họ không hề tồn tại trong ký ức người hâm mộ Tây Ban Nha nhưng Hector Cuper đã đến và viết lại lịch sử vào năm 1997.

UEFA Champions League anh 1

HLV Hector Cuper. Nguồn: Africatopsports.

Ngay mùa giải đầu tiên, HLV người Argentina đưa Mallorca xếp thứ năm ở LaLiga và vào chung kết cup nhà vua. Một năm sau, tiếng vang ấy còn lớn hơn khi vươn lên thứ ba sau Barcelona và Real Madrid, phong độ đỉnh cao của thầy trò Cuper được kết tinh bằng tấm vé chơi trận chung kết Cup C2 cuối cùng trong lịch sử với Lazio vào năm 1999. Hành trang đó mở ra chuyến phiêu lịch sử của ông cùng Valencia.

Nói là “lịch sử” bởi trước ngày Hector Cuper đến Mestalla, Bầy Dơi đã mất đến 29 năm vắng mặt ở Cup C1 châu Âu. Thế nên, chiến tích lọt vào hai trận chung kết liên tiếp là suy nghĩ hoang đường với các CĐV Valencia nhưng thậm chí, họ đã làm được một cách phi thường.

Nhận lại bộ khung từ người tiền nhiệm Claudio Ranieri, Cuper bổ sung thêm bốn tân binh gồm Kily Gonzalez, Mauricio Pellegrino, Juan Sanchez và Gerard Lopez, tài năng trẻ trở về từ Alaves.

Chỉ trong quãng thời gian ngắn, HLV người Argentina nhanh chóng tạo ra đội bóng đầy sức chiến đấu, đồng thời cùng Deportivo La Coruna phá vỡ thế thống trị bấy lâu của Barcelona và Real Madrid. Khi nhìn lại lịch sử, đây vẫn là thời kỳ cạnh tranh bậc nhất mà sân cỏ LaLiga từng chứng kiến.

Là người con của bóng đá xứ Tango, Hector Cuper cũng không thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa hai phe, “Bilardista” và “Menottista”, cụm từ nhằm mô tả hai trường phái đối lập giữa hai chiến thuật gia nổi tiếng nhất Argentina, Carlos Bilardo và Cesar Menotti.

Nếu người đầu tiên chọn lối đá thực dụng với chiến thắng được ưu tiên hàng đầu, thì người còn lại say mê trình diễn thứ bóng đá cống hiến trên sân cỏ. Với Hector Cuper, sự nghiệp cầu thủ của ông lên đến đỉnh cao vào năm 1984 khi được triệu tập vào ĐTQG bởi… Carlos Bilardo, người đã khơi gợi cảm hứng cho phong cách cầm quân của ông sau này.

Nền tảng thành công của Valencia ngày ấy nằm ở hàng phòng ngự với thủ thành Santiago Canizares và bộ tứ Jocelyn Angloma - Miroslav Djukic (Roberto Ayala) - Mauricio Pellegrino - Amedeo Carboni. Lạ ở chỗ, họ không hề phô diễn lối đá nặng nề phòng ngự như báo chí mô tả mà có chăng, Valencia của Cuper phòng ngự kỷ luật hơn mọi đối thủ.

Ngược lại, trong hai mùa giải Champions League 1999-2000, 2000-2001, con số bàn thắng mà những Claudio Lopez, Gaizka Mendieta, Pablo Aimar… tạo ra luôn đứng hàng đầu và lịch sử cũng ghi nhận Valencia góp mặt ở các trận đấu tưng bừng nhất (thắng Lazio 5-2, Barcelona 4-1, Leeds United 3-0). Vậy nguyên nhân nào khiến họ gục ngã ở hai trận chung kết?

Năm 2000, khác biệt nằm ở kinh nghiệm chiến trường khi Stade de France là lần thứ 9 Real Madrid lọt vào chung kết Champions League, ngược lại với lần đầu tiên của Valencia. Thêm nữa, mẫu cầu thủ lớn như Fernando Redondo, Raul Gonzalez… chính là sự thua thiệt của thầy trò Cuper.

Trong khi tại San Siro năm 2001, đơn giản chỉ là vận may đã ngoảnh mặt với HLV người Argentina trên chấm luân lưu bất chấp một thế trận chặt chẽ trước Bayern Munich suốt 120 phút.

Với vỏn vẹn một Siêu cup Tây Ban Nha giành được năm 1999, khi chọn ra các HLV xuất sắc trong lịch sử Valencia, cái tên Hector Cuper vẫn được nhắc đến như là chứng nhân của buổi giao thời.

Bởi thành công ở Champions League mà ông để lại được Rafael Benitez kế thừa bằng hai chức vô địch LaLiga, một UEFA Cup với đa phần những con người được tôi luyện dưới bàn tay của chiến thuật gia người Argentina.

Lịch sử không chỉ ghi nhận vinh quang của người chiến thắng, mà lẩn khuất đâu đó còn là nước mắt của kẻ chiến bại. Chính “hiện tượng” của những Benfica, Juventus và HLV Hector Cuper… càng làm dầy thêm những trang ký ức sống động về huyền thoại Champions League, về sự khắc nghiệt của giải đấu này suốt hơn 66 năm qua. Sân chơi mà muốn bước lên đỉnh cao nhất, một đội bóng phải biết kết tinh mọi yếu tố đẳng cấp, phong độ và sự may mắn đến cùng một thời điểm.

Xét trong bối cảnh ấy, chưa chắc những hiện tượng mà chúng ta từng kể thua kém đối thủ về khía cạnh bóng đá thuần túy mà ngược lại, số phận là thứ bạn không thể lựa chọn.

Vũ Anh Tuấn / TH Books / NXB Hà Nội

SÁCH HAY