Phạm Thúy Vi là cựu tuyển thủ bơi của TP HCM, từng huấn luyện Phương Trâm một thời gian. Năm 2012, cô lấy chồng – một người quản lý của đội bơi Singapore và chuyển sang công tác huấn luyện ở CLB bơi Swimfast. Đây là CLB đứng đầu Singapore, tập trung những VĐV tốt nhất như Tao Li, Quah Zheng Wen, Quah Ting Wen và Quah Jing Wen.
Phạm Thúy Vi cùng các học trò của CLB bơi Swimfast. Ảnh: Nicholas Wan. |
Vi cùng các đồng nghiệp đang huấn luyện những VĐV tốt nhất các nhóm tuổi của Singapore, là tương lai của ĐTQG sau này. Qua truyền thông, cô rất lo khi học trò cũ Nguyễn Diệp Phương Trâm chưa thanh lý xong hợp đồng với đơn vị chủ quản là Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu để toàn tâm cho sự nghiệp.
“Đây là thời điểm rất quan trọng đối với sự nghiệp của Nguyễn Diệp Phương Trâm, nếu mọi chuyện cứ dây dưa không được giải quyết sớm, không chừng bơi Việt Nam sẽ lãng phí một tài năng lớn. Theo đánh giá của tôi, Phương Trâm hoàn toàn có thể vươn đến tầm của Ánh Viên nếu được đầu tư bài bản. Em có khát vọng chiến thắng, từ nhỏ đã có ý thức cạnh tranh, không hề run sợ đối thủ”, Phạm Thúy Vi nhận xét.
Nữ HLV 33 tuổi này nhận thấy những điểm mạnh về tốc độ của Phương Trâm khi VĐV này mới 11 tuổi. Hiện tại, cả hai vẫn thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau. HLV Phạm Thúy Vi không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm cho Phương Trâm.
“Nếu tôi vẫn là HLV của Trâm, tôi sẽ cho Trâm tập các cự ly 400 m trở lại, chứ không chỉ tập trung ở cự ly 50 m, 100 m. Trâm bơi khá đều cả 4 kiểu dù bơi ếch kém nhất. Hiện tại, em vẫn còn trẻ và không nên giới hạn mình. Tôi nghĩ em sẽ là VĐV tốt ở nội dung 200 m tự do chứ không chỉ 50 m hay 100 m tự do”, Phạm Thúy Vi bộc bạch.
Phương Trâm vượt khó đoạt đến 3 HCV chỉ sau 2 ngày thi đấu giải bơi trẻ toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Nữ HLV này cũng tiết lộ những vụ việc như trường hợp của Phương Trâm không diễn ra ở Singapore. Ở đây, các VĐV đóng tiền để tham gia các CLB bơi, nếu muốn nghỉ chỉ cần email là xong. Các VĐV trẻ của Singapore phải tập và học rất căng thẳng. Buổi sáng tập từ 5h30 – 7h15, buổi chiều từ 16h – 19h, thời gian còn lại dành cho việc học.
Hiện tại, Phương Trâm tham dự giải bơi trẻ toàn quốc trong màu áo Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM. Cô đăng ký thi đấu 17 nội dung, sau 2 ngày tranh tài, cô đã giành 3 HCV (100 m tự do, 200 m hỗn hợp, 50 m bơi bướm) và 2 HCB (200 m bơi ngửa và 400 m tự do). VĐV sinh năm 2001 này rất chuyên nghiệp khi không để chuyện thanh lý hợp đồng ảnh hưởng đến chuyên môn. Một số nội dung cô đã vượt chuẩn Đông Nam Á và có thể tranh chấp HCV ở giải bơi các nhóm tuổi ĐNA diễn ra tại Đà Nẵng cuối năm nay.
HLV Phạm Thúy Vi vẫn theo sát bước chân của Phương Trâm, mong mỏi học trò được đầu tư bài bản để phát triển tài năng. “Việt Nam có nhiều tài năng bơi sớm được phát hiện nhưng thui chột do thiếu HLV giỏi, đầu tư chuyên nghiệp. Hy vọng Phương Trâm sẽ không rơi vào trường hợp đó”, cô nhấn mạnh.
Gia đình Phương Trâm khởi kiện Trung tâm Yết Kiêu: Luật sự Nguyễn Hữu Thế Trạch – đại diện pháp lý cho Phương Trâm cho biết gia đình đã chính thức khởi kiện Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu lên Tòa án nhân dân quận 1 (TP HCM) vì họ từ chối cung cấp hóa đơn, chứng từ làm cơ sở cho việc bồi thường số tiền 961 triệu đồng. Còn ông Chung Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm Yết Kiêu cho biết việc cung cấp hóa đơn, chứng từ cần có thời gian. Phía Trung tâm cũng sẵn sàng chờ giấy từ Tòa án.