Cùng với thời gian, trái tim từ chỗ là trung tâm của cuộc sống biến thành ngôi nhà tượng trưng của tâm hồn. Người Ai Cập cổ đại tin vào sự quan trọng của trái tim cho nên khi ướp xác, họ rút nó ra cất riêng vào chiếc bình làm bằng loại thạch cao hoa tuyết để sau này, ở thế giới bên kia, có thể cân đong bằng chiếc cân của Chân lý: trái tim được đặt lên một bên đĩa cân, còn đĩa cân bên kia đặt chiếc bút lông ngỗng của nữ thần Maat - hiện thân của trật tự, công lý và chính nghĩa - coi như chúng xác định số phận của linh hồn người đã khuất.
Các triết gia Hy Lạp và La Mã cũng như người Ai Cập cổ đại coi trái tim là bộ phận cực kỳ quan trọng trong cơ thể con người. Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle sống ở thế kỷ IV TCN coi rằng trái tim duy trì sự sống và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thần kinh. Theo lời ông thì trái tim có ảnh hưởng mạnh đến cảm xúc và tác động qua lại của con người với thế giới xung quanh.
Paula Findlen - nữ giáo sư lịch sử Italy của Ubaldo Pierotti, giám đốc Trung tâm Suppes về Lịch sử và Triết học, Khoa học và Công nghệ, đồng thời là giám đốc chương trình SIMILE tại Đại học Stanford - cho rằng nói đến trái tim không chỉ trên phương diện giải phẫu học và sinh lý học, mà cả ở truyền thống văn hóa nữa. Theo lời bà thì những triết gia như Aristotle và Claudius Galenus từ thời Phục Hưng đã tin vào trật tự nghiêm ngặt của cơ thể con người. Họ đinh ninh rằng bộ phận sinh dục, gan và hệ tiêu hóa liên quan chặt chẽ với cơ thể, trong khi bộ não là bình chứa trí tuệ và tính logic, còn tim là cầu nối. Vị trí của trái tim đã khẳng định giả thuyết đó bởi vì nó nằm giữa lá gan và bộ não.
Bình chứa tâm hồn
Ý tưởng “Trái tim là bình chứa tâm hồn” có một ý nghĩa tôn giáo trong thời trung đại, khi mọi người tin rằng sự Thánh Thiện được thể hiện trong cơ thể con người, đặc biệt là ở tim. Khi những người “thánh thiện” chết đi thì một trong những bước đầu tiên phải làm (ngoài việc biên chép lại những điều kỳ diệu liên quan đến người đó) là giải phẫu tử thi để tìm trong ấy những dấu hiệu của sự thánh thiện.
Năm 1308, khi nữ tu sĩ người Italy Chiara da Montefalco qua đời (bà sinh năm 1268), người ta phải giải phẫu tử thi bà. Nghe đồn là trong tim của nữ tu sĩ có tìm thấy những biểu tượng tôn giáo nho nhỏ xác định sự thánh thiện của bà. Đến thế kỷ XVI thì những dấu hiệu vật thể về sự thánh thiện phải nhường bước trước những ý tưởng về biểu tượng tôn giáo và tín ngưỡng.
Trong thời kỳ Phục Hưng, các nhà bác học châu Âu đã đạt tới những thành công to lớn trong sự hiểu biết tim, một phần là nhờ giải phẫu học. Leonardo da Vinci đã vẽ được những hình vẽ rất chi tiết và tạo ra mô hình một trái tim bằng thủy tinh để hiểu rõ hơn chức năng của nó. Kết quả là ông đi đến kết luận khác hẳn ý kiến của Aristotle và Claudius Galenus.
Năm 1628 vị bác sĩ người Anh nổi tiếng William Harvey (1578- 1657) đã làm cả giới y học hân hoan bởi ông công bố công trình nghiên cứu về công việc của hệ tuần hoàn máu.
Vì trái tim thành biểu tượng của tình yêu
Trước khi y học khám phá phương cách hoạt động của hệ thống tuần hoàn, người La Mã cổ đại có một tín ngưỡng tuy sai nhưng kể ra cũng khá tò mò: họ tin rằng có một tĩnh mạch chạy từ ngón áp út của bàn tay trái vào tim. Vì mối liên hệ giữa bàn tay trái và tim, họ đã chọn cái tên Latinh mô tả đường tĩnh mạch này là vena amoris, cho nên nghi thức bắt buộc trong từng đám cưới là trước quan viên hai họ, chú rể phải trao nhẫn, lồng nó vào ngón áp út của tay trái cô dâu, bằng cách đó, một cặp mới cưới đã biểu trưng tình yêu vĩnh cửu của họ cho nhau. Từ đó, việc trao nhẫn trở thành truyền thống trong văn hóa hôn nhân nhiều nước. Nhẫn cưới thường được đeo trên ngón áp út của bàn tay trái ở đế quốc Anh trước kia, một số vùng của Tây Âu, Đông Âu (không phải là tất cả), một số khu vực theo Công giáo bao gồm: Australia, Botswana, Canada, Ai Cập, Ireland, New Zealand, Nam Phi, Anh, Mỹ, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Thụy Sĩ, Romania, Croatia, Slovenia và Mexico…
Trong thế kỷ XII-XIII ở Pháp những người hát rong ca ngợi một tình yêu đòi hỏi người đàn ông phải trao trái tim cho người đàn bà và chung thủy trọn đời với người đàn bà duy nhất đó. Những bài ca, lời thơ tương tự được phổ biến rất nhanh sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hungary, Đức và Scandinavia, và mỗi nước đều có thơ nhạc riêng của mình về đề tài tình yêu vĩnh cửu.
Năm 1344, lần đầu tiên xuất hiện hình tượng trái tim và về sau trở nên phổ biến như một biểu tượng kinh điển. Hình tượng đó có thể thấy trong bản thảo cuốn Roman d'Alexandre (Tiểu thuyết về Alexandre) do nhà văn Pháp Lambert le Tort viết ra. Tập bản thảo được trang trí bằng vô số hình minh họa và được coi là cuốn sách minh họa vĩ đại nhất thời trung cổ. Hình tượng trái tim xuất hiện trên trang được vẽ rất nhiều chim muông và cây lá. Từ bên trái có thể thấy hình ảnh một người phụ nữ nâng trái tim của một người nam đang đứng trước mặt nàng. Nàng nhận tặng phẩm, còn chàng đưa tay lên ngực mình chỉ vào chỗ trái tim vừa bị rứt ra. Sau bức tranh đó, một cao trào thể hiện hình tượng trái tim diễn ra ở Pháp rồi suốt thế kỷ XV lan sang toàn châu Âu với những dạng khác nhau, có khi rất bất ngờ. Trái tim xuất hiện trên những trang bản thảo, sổ tay, bức rèm, hình chạm khắc, quân bài, đồ trang sức, tuy không phải lúc nào cũng chỉ liên quan đến tình yêu.
“Chúng ta thấy hình ảnh đó ở hàng nghìn đồ gốm Hy Lạp cổ đại, nhưng hình tượng trái tim mà chúng ta biết hiện nay xuất phát từ thời trung cổ, ở giai đoạn Phục Hưng. Những thứ chúng ta thấy là phiên bản trừu tượng của lá cây thường xuân, ngoài ra, những chiếc bình đựng chất lỏng có hình trái tim thường dùng để đựng rượu vang” - giáo sư Peter Stewart, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Cổ điển của Đại học Oxford giảng giải. Theo lời giáo sư thì sự xuất hiện hình tượng Trái tim có hình thức đẹp đẽ như hiện nay có thể liên quan đến bức tranh nữ thánh Catarina thành Siena, hiện bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Pháp.