Sách Tạ lỗi với mây xanh. |
Tập thơ Tạ lỗi với mây xanh (NXB Hội Nhà văn) tập thơ thứ 8 của nhà thơ Mai Thìn, gồm 45 bài với cảm hứng chủ đạo là những vấn đề hậu chiến, trong đó có nỗi đau thầm lặng của những người phụ nữ.
Đó là người vợ hy sinh cả tuổi thanh xuân, chờ đợi chồng qua mấy mùa kháng chiến: “Ngày ấy ta đi/ em còn tát nước bờ soi/ tóc chớm hồng hai má/ bao mùa cày chân rạ/ đợi ta về/ em thẩn thơ vành nón trắng” (“Cánh chuồn tuổi thơ”).
Nhưng rồi, chiến tranh qua đi những người chồng đã vĩnh viễn không trở về, những bến sông quê nơi họ từng hẹn hò trở thành những “Bến không chồng”: “Những người đàn bà/ ngồi đây/ dệt từng con sóng/ khâu kín mặt sông/ khâu những thanh xuân/ chờ đợi”.
Còn với người mẹ, chiến tranh đã hằn trên đời mẹ những cuộc chia ly đẫm nước mắt với chồng, với con. Cho nên, dẫu biết rằng, những người đi đã không bao giờ trở lại, nhưng như một quán - tính - của - yêu - thương, mẹ vẫn cứ ngồi chờ những “Chuyến tàu không bao giờ có”: “Mẹ ngồi đó/ chờ chuyến tàu/ không bao giờ có/ chuyến tàu đã chở những người thân của mẹ/ làm/ cuộc chia ly/.../ mẹ vẫn ngồi chờ/ Từ khi chân trời/ Bày cuộc chia ly”.
Đó còn là những gia đình mà cả hai anh em ruột đều mất trong cuộc chiến để lại một người mẹ già, một người vợ trẻ và một đứa con thơ chưa một lần được gọi tên ba. Hình ảnh những người phụ nữ đêm đêm cầu nguyện như những hòn vọng phu thời hiện đại khiến lòng người xa xót: “Ba tôi mất khi má mới sinh con/ bát nhang chưa tàn trên bàn thờ không ảnh chú/ tiền tử sĩ không mồ đúc một cái chuông/ gửi trong tịnh thất/ đêm đêm gióng lên/ tiếng/ hai người đàn bà/ và đứa con chưa biết kêu ba” (“Má tôi và những tiếng chuông”)...
Trong đời sống thường ngày, ngay cả ở thời bình, “những người đàn bà” cũng hiện lên với tất cả sự gian khổ, lặng thầm. Họ gửi vào công việc cần mẫn “từng trang cuộc đời mình”: “Những người đàn bà ngồi nướng bánh tráng/ ngày ngày/ chăm chút từng trang/ lật trở từng trang/ chồng mình/ con mình/ chông chênh những chồng bánh” (“Những người đàn bà ngồi nướng bánh tráng”).
Hay hình tượng người mẹ nông dân, chồng mất sớm, một thân một mình vừa làm ruộng vừa dệt chiếu, bôn ba bán buôn, xuôi ngược: “Má tôi làm ruộng ở Gò Bồi/ cùng quê với nhà thơ Xuân Diệu/ thời bao cấp má dệt chiếu/ lén lên chợ vùng cao bán dạo/ những sợi cói mướt mồ hôi/ nuôi lận đận mồ côi đi học” (“Má tôi và những tiếng chuông”).
Mai Thìn trong “Tạ lỗi với mây xanh” đã có những câu thơ lay động đến nỗi đau sâu thẳm của lòng người. Dù mai sau, chiến tranh không còn nữa, nhưng khi đến thăm các bảo tàng chiến tranh, tất cả những người mẹ trên toàn thế giới đều phải khóc: “Bấy giờ/ không còn chiến tranh/ không còn giết chóc/ những bà mẹ già/ người Ucraina/ người Nga/ người Mỹ.../ đến đây ôm đứa con mình/ mà khóc/ trong bảo tàng chiến tranh/ những quả bom/ chứa đầy nước mắt” (“Những quả bom chứa đầy nước mắt”).
Có thể nói, “Tạ lỗi với mây xanh” vừa là lời tạ lỗi lại vừa là lời tạ ơn của người còn sống đối với những người đã khuất, và đặc biệt là đối với những người mẹ, người vợ Việt Nam nói riêng. Những con người mà chính chiến tranh đã tạc họ thành một hình tượng có dáng hình chung - dáng hình vừa thể hiện đức hy sinh thầm lặng lại vừa “dựng nên dáng hình Tổ quốc”: “Những bà mẹ già/ thường rất giống nhau/ nhất là mái đầu mây trắng/ cây gậy mòn nhẵn/ đỡ cái lưng còng/ dựng nên/ dáng hình/ Tổ quốc” (“Những bà mẹ già”).
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.