Cây cầu đi bộ bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có chiều dài khoảng 100 m và chiều rộng hơn 2 m. Khi hoàn thiện, đây sẽ là cây cầu bộ hành duy nhất bắc qua con kênh này. |
Hiện tại cây cầu đã rõ hình dáng và hoàn thiện khoảng 90% khối lượng. Cây cầu được kỳ vọng sẽ giúp người dân thuận tiện đi lại và tạo thêm cảnh quan cho khu vực xung quanh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
Vỉa hè hai phía đầu cầu đang được quây lại để thi công lối dẫn lên cầu. Cây cầu nối đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) và đường Hoàng Sa (quận 1), hai quận trung tâm của TP.HCM. Bên phía Hoàng Sa, cầu sẽ dẫn thẳng đến cuối đường Nguyễn Đình Chiểu. |
Chủ đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn làm cốt thép để đổ bê tông mặt và lan can. Cây cầu có 3 nhịp bê tông cốt thép và có thêm tuyến cáp ngầm 220 kv thuộc tuyến Tao Đàn - Tân Cảng chạy qua. |
Nhiêu Lộc - Thị Nghè là con kênh dài nhất và lâu đời nhất ở TP.HCM. Tuyến kênh dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Gần đây, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành điểm vui chơi, dạo mát, tập thể dục của rất nhiều người bất kể sáng, trưa, chiều, tối. |
Theo ghi nhận của Znews, có khoảng 10 công nhân đang tất bật thi công các phần thô của cây cầu bộ hành. |
Vào năm 2002, dự án cải tạo Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chính quyền TP.HCM triển khai với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm cải tạo, diện mạo bờ kênh đã thay đổi hoàn toàn với hàng cây xanh mát, nhiều loại hoa đẹp, không khí trong lành. |
Kinh phí xây dựng cầu khoảng 10 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, người dân hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ dễ dàng di chuyển qua lại, không phải vòng lên cầu Điện Biên Phủ 2 hoặc cầu Thị Nghè. |
Trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có đến 9 cây cầu lớn bao gồm Thị Nghè, Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông, Hoàng Hoa Thám, Trần Khánh Dư, Kiệu, Công Lý và Lê Văn Sỹ cùng một số câu cầu nhỏ có số từ 1-8. |