Triển lãm gồm 130 bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 khiến Thomas Billhardt nổi tiếng khắp thế giới. Ông là người đầu tiên ghi lại nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh này, nhất là trên các khuôn mặt trẻ thơ. |
Từ năm 1962 đến 1975, Thomas đến Việt Nam 6 lần và trở lại sau đó 6 lần nữa. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này được xuất bản trong các cuốn sách ảnh: Những phi công mặc pyiama (1968), Khát vọng hòa bình Việt Nam (1973), Hà Nội những ngày trước hòa bình (1973) và Những gương mặt Việt Nam (1978). |
Ảnh của Thomas kể cho người xem về sự bất công xã hội, về sự nghèo đói, đau khổ, chiến tranh, nhưng cũng về cuộc sống của con người và nụ cười của họ. |
Là nhiếp ảnh gia, Thomas Billhardt tìm kiếm những khoảnh khắc thuần khiết, những mặt người trước khi họ nhận ra rằng mình sẽ bị ghi hình. |
Ở không gian công cộng, ông dùng ống kính tele để đến gần hơn với con người. Ông nâng máy ảnh gương lật ngang tầm mắt, mắt áp sát ô cửa tìm hình, nhưng ống kính chĩa qua bên. "Tôi sẽ đeo bám 'nạn nhân' như một con sói, vừa tính tốc độ phơi sáng khi tích hợp nhất, vừa ước chừng khoảng cách để có thể đặt trước các thông số, rồi đến động tác giả. Khi nâng máy ảnh lên, tôi chỉ nhìn vào hình trên khung kính mờ và có thể nhấn nút mà không bị để ý. Bằng cách đó, tôi đã ghi lại được khung cảnh đích thực". |
Em bé Hà Nội mặc chiếc áo nhung đỏ được bố chở trên chiếc xe đạp. |
Hình ảnh hầm trú ẩn quen thuộc những năm tháng chiến tranh. |
Thanh niên Hà Nội của 50 năm trước. |
Những bức ảnh tái hiện đa dạng các góc cạnh của Hà Nội. |
Loạt ảnh về thượng úy James Richard Shirley, phi công bị bắn hạ ngày 5/5/1967. |
"Ảnh của Thomas là những khoảnh khắc không thể tái hiện, những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình", ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe, viết về triển lãm. |
Ông Đỗ Doãn Hải (sinh năm 1946, Hà Nội) xúc động khi được nhìn thấy một phần quá khứ đã trải qua. "Tôi như được sống lại thời mình 20-25 tuổi, những lần phải chui xuống hầm trú ẩn, những tiếng leng keng của tàu điện, những lần được bố mẹ cho đi chơi Hồ Gươm... Đó thực sự là những hình ảnh không thể quên được", ông Hải chia sẻ. |
Anh Andrew (đến từ Australia) cho biết: "Tôi đã sống ở Việt Nam mấy năm nay khi đất nước đang trên đà phát triển. Những hình ảnh xưa cũ này khiến tôi hiểu hơn về đất nước và con người nơi đây". |
Triển lãm "Hà Nội 1967 - 1975" kéo dài đến ngày 15/11. |