Năm 2011, WikiLeaks đã dựa vào các hồ sơ tình báo bị rò rỉ để đăng hình ảnh mật về những tù nhân tại nhà tù Guantanamo.
Dù vậy, rất ý những hình ảnh rõ ràng về những tù nhân này được công bố kể từ khi họ bị đưa đến Guantanamo vài tháng sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Không có hình ảnh tù nhân gây gổ với lính canh, những tù nhân tuyệt thực, bị quản thúc hay bị ép ăn. Theo thời gian, hình ảnh về tù nhân và lính canh ở đây rất hạn chế.
Dưới Đạo luật Tự do Thông tin, New York Times trong năm nay đã công khai hình ảnh được nhận từ Cục Lưu trữ Quốc gia về những tù nhân đầu tiên được đưa từ Afghanistan đến nhà tù ở Guantanamo, Cuba.
Những bức ảnh được các nhiếp ảnh gia quân sự chụp lại để gửi cho các lãnh đạo cấp cao về hoạt động giam giữ và thẩm vấn tù nhân trong giai đoạn đầu.
Áp giải đến Guantanamo
Quân đội đã kiểm soát nghiêm ngặt hình ảnh tại Guantanamo ngay ngày đầu những tù nhân đến nơi này - ngày 11/1/2002. Các nhiếp ảnh gia thời sự của CNN và Miami Herald bị cấm chụp ảnh, dù vẫn được theo dõi những tù nhân đầu tiên đến Guantanamo.
Một tuần sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đăng bức ảnh chụp 20 tù nhân đầu tiên đang quỳ gối tại Trại X-Ray, nơi giam giữ tù nhân trong những tháng đầu tiên. Nguyên thiếu tướng Michael Lehnert mô tả tù nhân bị đưa tới đây là "những người xấu xa nhất trong đám kẻ xấu" bị bắt ở Afghanistan.
Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Hải quân Mỹ Shane T. McCoy và ban đầu chỉ cung cấp cho các lãnh đạo ở Lầu Năm Góc.
Bức ảnh này lập tức châm ngòi cho cuộc tranh luận về những gì mà Mỹ đang làm tại nhà tù Guantanamo. Đây cũng là một trong những bức ảnh ám ảnh nhất về chính sách giam tù nhân của nước này trong thế kỷ XXI. Nhà tù Guantanamo lúc cao điểm giam giữ đến 800 người.
Ảnh chụp 20 tù nhân đầu tiên đến nhà tù Guantanamo vào ngày 11/1/2002. Ảnh: Shane McCoy/Hải quân Mỹ. |
Công ước Geneva yêu cầu các quốc gia phải bảo vệ tù nhân chiến tranh khỏi "sự tò mò của công chúng". Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã cho phép Lầu Năm Góc công khai bức ảnh 20 tù nhân vì gương mặt của họ không bị lộ.
Một trong những bức ảnh gây chú ý là hành động của sĩ quan quân đội trên vận tải cơ chở tù nhân đến Guantanamo.
Theo Jeremy Lock - nhiếp ảnh gia của không quân, người có mặt trên chuyến bay - binh lính đã dùng băng dính quấn quanh mặt một tù nhân, sau khi anh ta cố tháo kính bịt mắt khỏi mặt.
Cờ Mỹ được đặt vào tay một tù nhân và được lính Mỹ chụp ảnh lưu niệm. Bên cạnh người này là tù nhân bị quấn băng dính quanh mặt, theo ông Lock. Ảnh: Jeremy Lock/Không quân Mỹ. |
Ngoài ra, một người trong số lực lượng an ninh đã lấy cờ Mỹ đặt vào tay của tù nhân ngồi cạnh người bị quấn băng dính quanh ở mắt để chụp một tấm ảnh lưu niệm, ông Lock kể lại, cho biết mình cũng chụp lại khoảnh khắc này.
Những tù nhân được đội mũ và đeo găng tay - giúp bảo vệ họ khỏi cái lạnh trong khoang hàng của vận tải cơ C-141 đưa họ từ Afghanistan tới Guantanamo. Bịt mắt và bịt tai nhằm ngăn các tù nhân tương tác với xung quanh, còn khẩu trang làm ngăn nguy cơ lây lan bệnh lao.
Những binh lính cho biết có thể dễ dàng "nhấc bổng" tù nhân do họ gầy ốm, cho thấy khả năng các tù nhân bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Michael W. Pendergrass. |
Ngoài ra, quân đội Mỹ vào thời điểm đó kể lại một người bị đưa đến Guantanamo với một bên chân giả. Tài liệu của nhà tù cho biết ông là Mullah Fazel Mohammad Mazloom, chỉ huy lực lượng Taliban ở miền Bắc Afghanistan vào thời điểm diễn ra vụ tấn công 11/9.
Ông Mazloom bị giam tại Guantanamo 13 năm, trước khi được đưa đến Qatar trong một vụ trao đổi tù binh. Sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan năm 2021, ông trở thành thứ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Taliban.
Binh lính đang áp giải Mullah Fazel Mohammad Mazloom, tù nhân Taliban đã bị giam tại Guantanamo trong 13 năm. Ảnh: Jeremy Lock/Không quân Mỹ. |
Cuộc sống bên trong nhà tù Guantanamo
New York Times cũng đăng ảnh những tù nhân được đưa đến Guantanamo đang được điều trị trong lều y tế tại thời điểm nhà tù đang giam giữ 158 người. Những tù nhân nhận chăm sóc y tế khi vẫn bị còng tay.
Những tù nhân bị còng tay khi đang được điều trị y tế. Ảnh: Shane McCoy/Hải quân Mỹ. |
Tù nhân trong Trại X-Ray được phục vụ bữa ăn gồm cơm, đậu, cà rốt, trái cây tươi và bánh mì. Quân đội cho biết đã cung cấp những bữa ăn phù hợp với văn hóa, chẳng hạn khẩu phần ăn Halal - những thức ăn và đồ uống được phép sử dụng theo luật Hồi giáo.
Tù nhân phải quỳ gối và quay mặt khỏi cửa phòng giam khi binh sĩ đem thức ăn đến. Ảnh: Shane McCoy/Hải quân Mỹ. |
Ngoài ra, mỗi tù nhân cũng được phát một tấm thảm dày như thảm yoga, được nhiều tù nhân dùng làm thảm cầu nguyện.
New York Times cho hay nếu những bức ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia thời sự ngày nay, nó sẽ không thể vượt qua sự kiểm duyệt của quân đội. Các biện pháp an ninh, bao gồm khống chế tù nhân, còng tay tại lều quân y, hay những hình ảnh gầy gò, suy dinh dưỡng của nhiều người đều bị quân đội cấm công khai trong các bức ảnh thời sự.
Tù nhân tại Trại X-Ray ngày 23/2/2002 cầu nguyện vào dịp lễ Eid al-Adha, còn được gọi là Lễ Hiến sinh, sự kiện lớn của người Hồi giáo. Mỗi tù nhân sẽ được phát một bản sao Kinh Quran (1). Ngoài ra, mỗi người còn được phát hai cái xô (2) - một cái dùng để rửa và cái còn lại dùng để tiểu tiện. Ảnh: Shane McCoy/Hải quân Mỹ. |
Ông Jeremy Lock cho biết mình hiểu rõ lý do có những biện pháp an ninh như trói tay chân để ngăn tù nhân bỏ trốn, dùng bịt mắt và bịt tai, khẩu trang y tế để phòng bệnh lao.
Dù vậy, chứng kiến những hình ảnh đó khiến ông nhớ lại thời gian huấn luyện khi còn là phi công trong chương trình sinh tồn tù binh có tên SERE, viết tắt của Survival (sinh tồn), Evasion (né tránh), Resistance (kháng cự) và Escape (trốn thoát).
Các đặc vụ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dùng những yếu tố đào tạo của chương trình SERE để thẩm vấn và tra tấn những người bị nghi là thành viên cấp cao của Al Qaeda. Đã có nhiều cuộc thẩm vấn tăng cường sau khi hàng trăm tù nhân bị đưa đến Guantanamo.