Sau khi lên nắm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975, Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot đã gây ra nạn diệt chủng đối với người dân Campuchia, người nước ngoài ở Campuchia và người Việt Nam sống gần biên giới. |
Theo VOV, không dừng lại ở đó, Khmer Đỏ nhiều lần xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trong thời gian từ năm 1975-1978. Trong khi đó, Việt Nam vẫn rất kiềm chế và bày tỏ tinh thần hữu nghị, đề nghị đối thoại. Trong ảnh, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam trong một lần phối hợp chiến đấu chống Khmer Đỏ. |
Khmer Đỏ khước từ các đề nghị đối thoại của Việt Nam, tiếp tục xâm phạm lãnh thổ và gây ra nạn diệt chủng trong nước. Việt Nam đẩy lùi sự xâm lược ở biên giới, đưa quân giúp nhân dân Campuchia lật đổ sự cai trị của Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1979, theo lời kêu cứu của nhân dân Campuchia và sự kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia. Trong ảnh, Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam huấn luyện phối hợp chiến đấu. |
Quân tình nguyện Việt Nam sau đó ở lại giúp ngăn chặn chế độ Khmer Đỏ khôi phục trở lại. Trong ảnh, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam giải phóng căn cứ Tà Sanh, thu giữ khí tài của Khmer Đỏ. |
Hơn 200.000 người Việt Nam đã ngã xuống, nhiều người trong số đó đến nay vẫn nằm lại đất Campuchia. |
Những đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Campuchia ngày nay là minh chứng cho tính chính nghĩa của Việt Nam khi giúp đỡ Campuchia. |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nói: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. Dứt khoát là thế”. Trong ảnh, người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. |
Thiếu nữ Campuchia tặng hoa cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Người dân Campuchia gọi Quân tình nguyện Việt Nam là "bộ đội nhà Phật". |
Tuy nhiên, trong phát biểu hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dùng những từ như "xâm lược" và "chiếm đóng" để nói về quân tình nguyện Việt Nam giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. |
Hôm 4/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong thông cáo rằng: “Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu (của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long) phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận". |
Trong một bài chia sẻ trên Facebook đêm 6/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen "lấy làm tiếc" về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long. Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Campuchia đã lên tiếng chính thức phản đối phát ngôn của Thủ tướng Lý. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan "đã giao thiệp chính thức và không chính thức với các đối tác Singapore" về vấn đề này. Bà xác nhận đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Trong ảnh, người dân Campuchia cầm những khẩu hiệu về tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân Campuchia và Việt Nam dọc theo đường tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. |