“Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Chúng tôi đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/6.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dùng những lời lẽ cho rằng Việt Nam “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia, để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang trợ giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ năm 1979.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/6 đã lên tiếng phản bác lại phát biểu của ông Lý, cho biết Việt Nam “lấy làm tiếc” về những nội dung “phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận”.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong thông cáo ngày 4/6.
“Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Nhiều quan chức cấp cao Campuchia đã lên tiếng phản bác phát ngôn “sai sự thật”, “không phản ánh lịch sử” của Thủ tướng Lý Hiển Long về quân đội Việt Nam.
Ngày 4/6, ông Hun Many, đại biểu Quốc hội Campuchia từ tỉnh Kampong Speu, nói với Phnompenh Post thế giới không nên quên bao nhiêu người Campuchia đã phải gánh chịu đau thương. Gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới bàn tay Khmer Đỏ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày do thế giới khi đó nhắm mắt làm ngơ với Campuchia.
Nội dung đăng tải gây bất bình của ông Lý Hiển Long. |
“Trong khi các nước chơi trò chính trị, người dân Campuchia khẩn cầu sự giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, không quan trọng sự giúp đỡ đó đến từ ai và từ đâu”, ông Many nói với Phnompenh Post.
“Sự giải cứu đó đã đến từ Đảng Nhân dân Campuchia với sự trợ giúp của nước Việt Nam láng giềng”.
Phát biểu với báo chí đêm 3/6 ở Sân bay Quốc tế Phnom Penh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói: “Nhận xét của ông ấy (Thủ tướng Lý Hiển Long) là không đúng và không phản ánh lịch sử. Điều đó hoàn toàn không đúng chút nào khi ông ấy nói rằng quân đội Việt Nam xâm lược Campuchia. Chúng tôi muốn ông ấy phải cải chính”.
“Chúng tôi không chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã làm rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến đây để giải phóng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi vẫn coi họ đến đây để cứu sống người dân của chúng tôi. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi”.
Ông cho biết đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen khi dự Đối thoại Shangri-La tuần trước, và yêu cầu bộ trưởng quốc phòng Singapore thông tin tới Thủ tướng Lý Hiển Long để sửa sai bình luận của mình.