Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình ảnh ngày Tết Độc lập đầu tiên của Việt Nam

69 năm trước, chỉ với đôi dép cao su con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi sờn cổ... từ chiến khu trở về, Bác đã viết nên Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước VN.

 

Ngày 19/8, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền Thủ đô đã thuộc về cách mạng. Ngày 23/8, ông Lê Đức Thọ lên đón Bác Hồ từ Việt Bắc về đến thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ). Ngày 25/8 ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh… đã đưa Bác đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, xe ô tô đưa Bác không đỗ ở cửa trước mà đi vòng lối cổng sau thuộc phố Hàng Cân vào tận sân trong.
Ngày từ chiến khu về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Bác chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơmi, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu.
Trong thời gian này, hàng ngày lúc 7h, Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc đến chiều mới về 48 Hàng Ngang. Buổi tối, Bác thường xuyên bận vì phải hội kiến làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt…
Sau khi hội kiến với các tướng lĩnh, đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Bác mới tắt, nhưng 5h hôm sau mọi người đã lại thấy Bác cần mẫn tập thể dục ngoài ban công.
Tại tầng 2 của ngôi nhà, Bác Hồ đã dành trọn 3 ngày từ 28 đến 30/8, tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chỉ sau 3 ngày, bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản Tuyên ngôn long trọng tuyên bố với thế giới về quyền được sống trong độc lập, tự do của “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay”…; “và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.
Đúng 14h ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài, đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chính Bác Hồ đã chọn Quảng trường Ba Đình để tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945. Bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, Người đã đọc bản Tuyên ngôn lịch sử của dân tộc Việt Nam.
"... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy...", Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày thu độc lập ấy như một lời đanh thép khẳng định với bạn bè thế giới về chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Đáp lại lời của Bác, toàn thể nhân dân có mặt đã đồng thanh hô lớn: “Xin thề! Xin thề!”. Lời thề vang ấy đã đi suốt những năm tháng kháng chiến sau này,  trải qua 30 năm đánh thắng quân ngoại xâm (1945-1975), đã mang lại cho thế hệ ngày nay một quốc gia độc lập, hòa bình.

Khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều ăn mặc những đồ đã cũ sờn hoặc chắp vá tạm.

Gần sát ngày lễ, chủ nhà đã chọn riêng loại vải kaki cốt lê của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt”.

Trong ngày lịch sử trọng đại này, đông đảo các tầng lớp nhân dân hân hoan lắng nghe bản Tuyên ngôn Độc Lập của Người.
Các lực lượng công binh tham gia tuần hành quanh Quảng trường Ba Đình ngày Lịch sử.
Các đơn vị giải phóng quân duyệt binh trong ngày lịch sử trọng đại này.
Không chỉ có các tầng lớp trí thức tham gia buổi Lễ Tuyên bố độc lập, tầng lớp nông dân cũng được coi là lực lượng quan trọng để dân tộc Việt Nam có ngày chiến thắng vẻ vang như hôm nay.
Theo đúng kế hoạch, toàn bộ diễn biến buổi lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được truyền thanh trực tiếp vào Nam Bộ nhưng do lỗi kỹ thuật, kế hoạch này không thể thực hiện được. Tuy nhiên, người dân Nam Bộ vẫn háo hức chia sẻ niềm vui.
Trên khắp các ngả đường của hầu hết các tỉnh, thành, người dân hân hoan vui ca trong ngày Lễ Độc lập.
Quân dân miền Nam trong những ngày Lịch sử trọng đại tháng 9/1945.

Nguyễn Vũ (Ảnh tư liệu)

Bạn có thể quan tâm