Phong tục của người Thái trắng ở vùng Mường Lò (Tây Bắc) trong “Tết Xíp xí” vào 14/7 âm lịch có thực hiện một số nghi lễ nông nghiệp, trong đó có việc “trả ơn” bằng cách cho trâu ăn Tết.
Trâu được tắm rửa sạch sẽ rồi được dắt tới chân nhà sàn, gia chủ mang xôi rượu ra nói với trâu đôi lời cảm ơn trâu đã vất vả vì người. Trâu được ăn xôi, có khi uống cả rượu, nó còn được ăn những bó cỏ tươi ngon nhất được chuẩn bị sẵn.
Vào những ngày đầu năm mới, người Tày có tục chúc phúc trừ tà. Những cụ già gọi là “ông Khai vài xuân” đến từng nhà chúc Tết bằng điệu hát, sau đó lấy một tờ giấy đỏ có hình con trâu dán ở cửa chuồng trâu, chuồng bò để trừ tà, tránh cho súc vật bị bệnh tật. Gia chủ cũng đáp từ bằng bài chúc có vần điệu và đem bánh trái, một ít tiền tặng lại.
Trong phong tục hôn nhân của người dân tộc Thổ, đồ dẫn cưới của nhà trai thường phải có một con trâu.
Họ Nhê Xe ở dân tộc Phù Lá coi trâu là thuỷ tổ của mình. Theo truyền thuyết, ông tổ của người Phù Lá mồ côi từ rất sớm, may nhờ có trâu cho bú nên đã sống và khôn lớn, từ đó về sau con cháu họ kiêng ăn thịt trâu để tỏ lòng biết ơn.
Còn trong văn hóa dân tộc Dao, mỗi dòng họ khi cúng tổ tiên, đều chọn một loài vật. Người họ Phùng dùng dê, họ Bàn dùng bò, còn họ Triệu cúng bằng trâu.
Theo truyền thuyết của dân tộc Pu Péo, tổ tiên của họ từ đảo vào đã vượt biển trên một bè mảng do trâu kéo và đi sâu vào đất liền tìm nơi cư trú. Dân tộc này còn có Tết “Cần bươn” diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch, nghi thức đầu tiên trong ngày Tết là lễ cúng gọi hồn cho trâu, bò.
Điều này xuất phát từ quan niệm sau vụ mùa cày bừa nặng nhọc, hồn trâu bò có thể bị phân tán đi khắp nơi, chưa quay trở lại với bản thể như trước, do đó phải làm lễ cúng để hồn trở về thì trâu, bò mới trở nên béo tốt, khỏe mạnh.
Theo tập tục của người La Chí, mỗi bản có một nhà làm lễ cúng, cứ 3 năm có tế bằng trâu một lần, sọ trâu được giữ lại gác lên mái nhà. Vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, người ta cho trâu ăn bánh chưng. Đến ngày Tết cơm mới (tháng 8 âm lịch), người La Chí gói cơm gạo mới vào lá và cuộn trong cỏ cho trâu ăn trước để nó được nếm thành quả lao động của mình.
Nhà mồ pinh blâng của người Cơ Tu ở Quảng |
Tục lệ của người Mông, trong đời người đàn ông đều phải cúng báo hiếu cha mẹ ít nhất một lần. Vật hiến tế là nhiều trâu hay bò. Lễ này kéo dài 1-2 ngày, đêm được gọi là đám “ma trâu”.
Một phong tục khác, đó là khi một người già qua đời, con cháu phải mổ một con trâu, hoặc bò vì theo quan niệm làm như vậy thì khi sang thế giới bên kia người chết mới có con vật để cưỡi đi đường. Và khi mổ trâu, phải nối sợi dây buộc con vật đó đến tay người chết để người ấy có thể cầm dây dắt con vật theo mình.
Đồng bào dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, vào ngày mồng 8/4 âm lịch hàng năm, đều tổ chức Tết "Sử Giề Pà" hay còn gọi là “Lễ Tạ ơn trâu thần”, “Tết mồng 8 tháng 4”.
Đây là một trong những lễ hội lớn trong năm của người Bố Y được hình thành qua câu chuyện truyền thuyết về con trâu thần đã dẫn họ tìm được nguồn nước.
Tết được coi là cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn đến với bản làng, là dịp để các thành viên dành sự chăm sóc đặc biệt và bày tỏ lòng cảm ơn đến con trâu của gia đình.
Ngôi nhà truyền thống của người Cao Lan - Sán Chỉ thì lại thiết kế theo hình dáng một con trâu với 4 cột ở giữa nhà là 4 chân, rui mè là xương sườn, đòn nóc là sống lưng, thùng cám đặt cạnh chân cột chính ở bên cửa là dạ dày. Nhà sàn hình trâu có hai loại, đó là nhà sàn kiến trúc hình trâu đực (làn tặc wài) và nhà sàn kiến trúc hình trâu cái (làm mẻ wài).
[…]
Ở lễ hỏi của dân tộc M’nông, người làm mối bên nhà trai phải đem theo 2 ống lồ ô đựng măng chua và da trâu thái nhỏ, nếu gia đình cô gái nhận thì có nghĩa là ưng thuận. Sau đó đến lễ cưới, trong lễ vật nhà trai mang đến không thể thiếu từ 20-30 ống măng chua với da trâu muối.
Người M’nông coi trâu là con vật quý đứng thứ hai sau voi, gia đình nào có trâu trong nhà được xem là giàu có, đồng bào tin rằng thần trâu, hồn trâu luôn ở bên cạnh, mang lại may mắn cho gia đình và cộng đồng...
Trong luật tục của dân tộc Srê (Kơ ho), trường hợp không giữ lời hứa hôn, bên vi phạm bị phạt một con trâu. Còn theo luật tục của người K’Ho Lạch: “Tội ngoại tình thì đền bảy con trâu, tám cái ché. Tội bỏ vợ, bỏ chồng phải đến chín con trâu, mười cái ché”.
Với người Mnâm, vào đầu năm mới (khoảng tháng 2 dương lịch), đồng bào mở lễ cúng trâu. Cả buôn nhốt trâu chung một chuồng được trang trí đẹp và làm lễ cúng trâu để cầu mong những điều tốt lành cho buôn, cầu cho trâu được khoẻ mạnh, sinh đẻ nhiều. Sau lễ cũng, người ta thả đàn trâu ra khỏi chuồng cho đi ăn cỏ...