Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Highlands, Trung Nguyên và Vinacafe đua nhau dựng xe đẩy bán cà phê

Không nằm ngoài xu hướng take-away, các ông lớn Highlands, Trung Nguyên và Vinacafe đều mở quầy cà phê bên đường hoặc cửa hàng diện tích nhỏ, nhắm đến đối tượng khách hàng bận rộn.

Mặc dù có phục vụ cà phê mang đi trong cửa hàng hoặc trên ứng dụng gọi món trực tuyến, các thương hiệu cà phê này vẫn mở rộng mô hình quầy cà phê take-away ở mặt đường lớn nhằm tăng tính tiện lợi cho khách hàng. 

Khi thương hiệu lớn dựng xe đẩy nơi lề đường

Cách đây hơn 1 năm, thương hiệu cà phê Trung Nguyên bắt đầu thử nghiệm mô hình E-Coffee với diện tích từ 4-40 m2, ưu tiên đối tượng khách hàng mua mang đi. Tại thời điểm ra mắt chính thức ngày 10/8, hệ thống này đã sở hữu hơn 130 cửa hàng tại 13 tỉnh, thành. Đến nay, với chính sách phí nhượng quyền 0 đồng, tốc độ mở mới của Trung Nguyên E-Coffee đạt trung bình 10 cửa hàng/ngày.

Ngoài ra, để đáp ứng mục tiêu 3.000 cửa hàng đến năm 2020, chuỗi này còn triển khai hợp tác với 1.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở điểm bán tại các trạm dừng chân nổi tiếng cho khách du lịch.

ca phe take-away anh 1
Quầy cà phê take-away của Highlands Coffee nằm ngay giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: Lan Anh

Gần đây, Highlands Coffee cũng dựng quầy cà phê nhỏ ngay trước các cửa hàng lớn của hãng, phục vụ nhu cầu mua mang đi. 

Từ 7-9h mỗi ngày, quầy cà phê nhỏ trước cửa Highlands Coffee Saigon Mall (quận Gò Vấp, TP.HCM) phục vụ cà phê đen và cà phê sữa với mức giá 29.000 đồng.

Trao đổi với Zing.vn, một số khách hàng ở đây cho biết giá cả ngang bằng trong cửa hàng nhưng mua nhanh và tiện hơn vì nằm ngay lề đường lớn.

“Tôi thích uống cà phê của Highlands, nhưng trước đây phải đến công ty cất xe rồi đi bộ sang quán đối diện để mua lên văn phòng. Gần đây, tôi phát hiện họ bán cả ngoài đường thế này, đỡ phải gửi xe hay chờ lâu, sáng nào tôi cũng mua 1 ly sữa đá”, chị Thanh Ngọc (nhân viên văn phòng ở quận Gò Vấp) cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện Highlands Coffee áp dụng mô hình này tại khoảng 5 điểm bán, đa số ở các khu vực giao thông đông đúc. Tuy nhiên, khi được hỏi về định hướng phát triển của mô hình này trong tương lai, đại diện Highlands Coffee từ chối đưa ra bình luận. 

ca phe take-away anh 2
Vinacafe mở xe đẩy bán cà phê mang đi với mức giá bình dân, cạnh tranh với các quầy cà phê take-away nhỏ lẻ. Ảnh: Lan Anh

Phục vụ khách hàng bình dân hơn, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) dù không sở hữu quán cà phê nào cũng mở xe đẩy ngay trước cổng trụ sở ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Mỗi ly cà phê mang đi có giá 12.000-14.000 đồng.

Nhân viên bán hàng ở đây cho biết xe đặt tại con đường không quá đông xe cộ, nhưng mỗi sáng vẫn bán khoảng 50-60 ly cà phê nhờ thương hiệu và giá cả tương đương các quầy cà phê take-away nhỏ lẻ khác.

Không riêng gì cà phê, các thương hiệu đồ ăn nhanh như Lotteria, McDonald’s… cũng từng đặt quầy bán thức ăn sáng tại các giao lộ đông người ở TP.HCM.

Tiềm năng thị trường và lợi thế thương hiệu

Chỉ một quầy hàng hoặc xe đẩy nhỏ, một nhân viên bán hàng và hai món cà phê đen/sữa cơ bản, các thương hiệu đã có thể tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới trong vài tiếng buổi sáng. 

Đánh giá về điều này, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng đây là xu hướng chung ở các đô thị phát triển và tập trung dân cư đông đúc trên thế giới như New York (Mỹ) hay Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc).

“Mỗi nước có đặc thù riêng, như Việt Nam có thêm lợi thế về chi phí nhân công. Tận dụng điều kiện mặt bằng nhỏ (từ 1-4 m2) tại khu vực đông đúc, các cửa hàng hoặc quầy cà phê, thức ăn take-away ở Việt Nam không tốn nhiều chi phí cho vấn đề thuê mặt bằng và nhân công nhưng doanh thu vẫn đảm bảo. Do đó, mô hình này sẽ còn tồn tại và phát triển trong tương lai”, ông nhận định.

Trao đổi với báo giới hôm ra mắt mô hình E-Coffee, bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên Legend, cũng cho biết chuỗi này yêu cầu chi phí đầu tư thấp, vị trí mặt bằng linh hoạt và được thiết kế tối ưu hóa cho mọi địa điểm như cao ốc văn phòng, chợ, cửa hàng tiện lợi, sân bay... 

Mặc dù vậy, theo ông Võ Văn Quang, mô hình take-away chỉ thành công nếu có chiến lược và năng lực quản trị tốt. Đặc biệt, do đặc thù về kinh doanh thực phẩm và cạnh tranh chi phí, chất lượng sẽ tạo nên khác biệt và thành công cho các chuỗi. 

"Highlands, Trung Nguyên hay Vinacafe đã xây dựng thương hiệu tốt trong mắt người tiêu dùng, nên khi bán theo mô hình take-away lại càng có lợi thế", vị này đánh giá. 

Theo số liệu mới nhất về hành vi tiêu dùng bên ngoài của Worldpanel, Kantar, trong 6 tháng đầu năm nay ở TP.HCM, cà phê là thức uống dùng ngay được chọn mua nhiều nhất.

Báo cáo của BMI Research cũng chỉ ra lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng đáng kinh ngạc từ 0,43 kg/người/năm lên 1,38 kg/người/năm trong giai đoạn 2005-2015. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới.

Theo dự báo của hãng, con số này sẽ đạt 2,6 kg/người/năm vào năm 2021. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng lượng tiêu thụ cà phê trong nước tăng 10-15%.


Lan Anh

Bạn có thể quan tâm