Chẳng là ở nơi đã từng gắn bó với cả cuộc đời viết văn của Tô Hoài, bây giờ con cháu ông mở hiệu sách, dự kiến mang tên Dế Mèn.
Anh Lê Thanh Đô, cháu ngoại của nhà văn, là người được “đại gia đình” giao trực tiếp quản lý, trông nom hiệu sách. Anh kể: “Sau giỗ đầu ông ngoại, chúng tôi ngồi nói chuyện về căn phòng nơi ông từng sống, viết văn ở Nghĩa Tân.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm xem các phiên bản truyện "Dế Mèn" tại hiệu sách Dế Mèn. |
Cũng vì trước đó có người hàng xóm đánh tiếng muốn thuê lại để mở cửa hàng ăn uống, mọi người đều không đồng tình vì như thế sẽ vừa mất vệ sinh, vừa biến đổi mất không gian kỷ niệm. Nhưng nếu để không thì căn phòng sẽ trở nên lạnh lẽo, vắng vẻ.
Cuối cùng bác Hà có sáng kiến là mở hiệu sách, có thể đặt tên là Dế Mèn. Lý do rất đơn giản thôi, vì có lần ông ngoại bảo nếu ông không trở thành nhà văn thì chắc ông mở hiệu sách”.
Từ ngày bàn bạc ấy đến khi hiệu sách được khai trương cũng ngót nghét bốn tháng. Phòng tiếp khách xưa của nhà văn rộng chưa đến 10m2 có bộ salon bằng mây, nơi sáng sáng, chiều chiều nhà văn hay ngồi trông ra và tủm tỉm chuyện đời thì giờ đã trở thành một hiệu sách nho nhỏ. Hiệu sách ấy có được chỉnh trang đôi chút nhưng về cơ bản là giữ nguyên “hình bóng” năm xưa.
Nơi ấy có năm kệ sách được kê, với rất nhiều đầu sách mới xuất bản của Nhà xuất bản Kim Đồng - phần lớn là sách văn học. Đặc biệt, có một kệ riêng bày những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài viết cho thiếu nhi như Nhà Chử, Đảo hoang, Kim Đồng, Chuyện ngày xưa - 100 cổ tích... Nhất là truyện Dế Mèn có đến 5-6 phiên bản được “khoe”.
Những ngày đầu mới mở, hiệu sách chưa có biển hiệu, ngoài tấm hình chú dế mèn được treo phía cửa. Dù lặng lẽ như thế nhưng những người bạn hàng xóm xưa của nhà văn cũng hay ghé qua chọn sách và ngồi hàng giờ nhắc nhớ những kỷ niệm của mình với Tô Hoài. Còn đám học sinh từ Trường THCS Nghĩa Tân ở ngay bên kia đường, mỗi buổi tan trường hay tìm đến vừa để mua cuốn truyện mình thích, vừa thích thú gọi nhau so sánh những phiên bản Dế Mèn.
Không chỉ thế, đám học sinh các trường học gần khu Nghĩa Tân như Trường tiểu học Dịch Vọng B, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường tiểu học Nghĩa Đô... cũng đạp xe đến. Có thể những độc giả trẻ tuổi ấy chỉ vô tư bước vào một hiệu sách mà không hề biết đây là nơi nhà văn Tô Hoài đã ở, trò chuyện với khách văn cũng như tất cả những người có dịp ghé qua. Nhưng giữa không gian ấy, tiếng nói, tiếng cười của tuổi trẻ khiến những ai từng biết đến Tô Hoài, nhất là với những người thân của ông, thì không khỏi nao nao tưởng như bóng dáng nhà văn vẫn đâu đây...
“Giữa thời buổi một mét vuông đất Hà Nội quý hơn vàng, nếu cho thuê mặt bằng để người ta kinh doanh thì có lợi nhiều lắm. Nhưng làm thế chúng tôi mất đi không gian, mất đi cái nếp nhà của cha để lại... Còn với hiệu sách Dế Mèn này thì mỗi ngày chúng tôi vẫn như thấy hình bóng của ông ở bên mình” - thỉnh thoảng đi ra đi vào ngắm nghía hiệu sách, vui vui khi thấy những đám trẻ đến tìm sách, con gái lớn của nhà văn Tô Hoài, bà Đan Hà, nói.
Khoảng vài tháng nữa, theo anh Đô - con trai bà Đan Thanh (con gái thứ hai của nhà văn), hiệu sách Dế Mèn sẽ có thêm phòng đọc mini phía trong - nơi nhà văn Tô Hoài từng ngồi viết văn, ngủ, nghỉ.
Phòng đọc ấy, bên bộ salon xưa cũ, có cả những tủ trưng bày các hiện vật của nhà văn, các đầu sách được nhà văn gìn giữ...
Ngoài ra, các tủ kệ của hiệu sách sẽ được bổ sung các đầu sách chọn lọc của Công ty sách Phương Nam, NXB Trẻ, NXB Lao Động...