Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hiệu quả của các phương pháp điều trị Covid-19 với Omicron

Giới nghiên cứu đang xem xét nhiều phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó tiềm năng nhất là thuốc viên kháng virus, để xác định hiệu quả của chúng đối với Omicron.

phuong phap dieu tri benh nhan covid-19 anh 1

Thuốc uống có thể giúp bệnh nhân Covid-19 giữ được tính mạng được coi như "chén thánh" với các bác sĩ và nhà sản xuất. Các phương pháp điều trị hiệu quả ban đầu thường được sử dụng cho bệnh nhân thông qua truyền dẫn hoặc chỉ áp dụng khi bệnh nhân nặng tới mức phải nhập viện.

Sau 2 năm kể từ khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận, 2 phương pháp điều trị tiềm năng dựa vào thuốc viên đã xuất hiện, khiến ngay cả những nhà khoa học hoài nghi nhất cũng phải ca ngợi là “tiến bộ vượt bậc”.

Thuốc viên sẽ dành cho những bệnh nhân mới nhiễm virus có nguy cơ xuất hiện triệu chứng nặng. Điều này hứa hẹn làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, cũng như giảm nguy cơ lây lan virus của người dùng.

Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị này và nhiều phương pháp khác với biến chủng Omicron, theo Bloomberg.

Các loại thuốc mới tiềm năng

Phương pháp điều trị bằng thuốc Paxlovid - được phát triển bởi hãng dược Pfizer - gồm hai viên thuốc kháng virus. Loại đầu tiên được thiết kế nhằm ngăn chặn hoạt động một loại enzyme quan trọng mà virus corona dùng để nhân bản. Loại còn lại - thuốc điều trị HIV Ritonavir - giúp làm chậm sự phân hủy của viên thuốc đầu tiên để thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và ở nồng độ cao hơn.

Một phương pháp điều trị khác là sử dụng thuốc viên Molnupiravir của Merck và Ridgeback Biotherapeutics. Molnupiravir ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm. Thuốc viên làm bộ máy tái tạo tế bào của virus mắc lỗi, khiến virus tạo ra những bản sao bị lỗi.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho Paxlovid vào ngày 22/12. Một ngày sau, cơ quan này cho phép dùng Molnupiravir trong trường hợp bệnh nhân không thể tiếp cận hay thích hợp với các phương pháp điều trị khác.

Theo phân tích sơ bộ của Pfizer hôm 5/11, Paxlovid làm giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 nguy cơ cao. Dù bệnh nhân bắt đầu điều trị trong vòng 3-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng thì thử nghiệm vẫn cho ra kết quả tương tự.

Trong khi đó, Molnupiravir làm giảm 30% khả năng nhập viện hoặc tử vong trong nghiên cứu với đối tượng là người lớn tuổi có nguy cơ cao.

Ở Mỹ, FDA cho biết cả hai loại thuốc chỉ có sẵn theo đơn, nên được sử dụng càng sớm càng tốt sau khi mắc Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Paxlovid dành cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên nặng ít nhất 40 kg.

Trong khi đó, FDA giới hạn độ tuổi dùng Molnupiravir là từ 18 tuổi trở lên bởi lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sự phát triển của xương và sụn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không nên sử dụng loại thuốc này.

Paxlovid dùng dưới dạng ba viên, uống cùng lúc 2 lần mỗi ngày trong năm ngày, tổng 30 viên. Molnupiravir có bốn viên, uống sau mỗi 12 giờ trong vòng năm ngày, với tổng 40 viên.

Khác biệt của thuốc dạng uống

Nếu an toàn và dung nạp tốt, thuốc kháng virus giá cả phải chăng và dễ sử dụng là phương pháp điều trị lý tưởng vì chúng trực tiếp chống lại virus, hạn chế thời gian bị bệnh và khả năng gây tổn thương của virus tới cơ thể.

Có một số phương pháp điều trị khác cũng nhắm trực tiếp vào virus, chẳng hạn như thuốc Remdesivir của Gilead Sciences, hay các kháng thể tạo ra trong phòng thí nghiệm bắt chước khả năng phòng vệ miễn dịch của cơ thể chống lại virus.

Tuy nhiên, tất cả đều sử dụng thông qua đường tiêm tĩnh mạch, làm tăng độ phức tạp và chi phí vượt quá tầm với của một số nước nghèo. Ngoài ra, việc truyền dịch cho bệnh nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và các bệnh nhân khác.

Những loại thuốc khác làm giảm triệu chứng của người nhập viện, nhưng không trực tiếp nhắm vào virus. Trong đó phải kể đến thuốc giá rẻ steroid Dexamethasone và interleukin-6 có thể ngăn chặn phản ứng quá mức có hại của hệ thống miễn dịch. Thuốc làm loãng máu cũng có khả năng ngăn ngừa các cục máu đông liên kết với Covid-19 phá hủy cơ quan trong cơ thể bệnh nhân.

Một số phương pháp điều trị Covid-19 khác từng được sử dụng nhưng tới nay không còn được ưa chuộng.

Các nghiên cứu công bố vào tháng 9/2020 tập trung vào vai trò của interferon - chất miễn dịch giúp điều phối khả năng "phòng vệ" của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy những người có hàm lượng chất này thấp thì khả năng chống lại virus corona không cao.

Điều này có nghĩa là phương pháp điều trị bằng interferon có thể giúp ích trong giai đoạn đầu khi nhiễm virus, đồng thời ngăn ngừa tử vong. Tuy nhiên, nghiên cứu hồi tháng 10 vừa qua lại cho thấy liệu pháp interferon không có tác dụng với bệnh nhân Covid-19 nhập viện.

Vào tháng 12, WHO khuyến cáo không nên điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng cách truyền huyết tương từ những người đã khỏi bệnh. Tổ chức này cho biết phương pháp điều trị này dù tốn kém nhưng không cải thiện được tỷ lệ tử vong hay giảm nhu cầu thở máy.

Hồi tháng 3/2020, cơ quan quản lý của Mỹ cho phép sử dụng thuốc sốt rét Chloroquine và Hydroxychloroquine để điều trị Covid-19. Tuy nhiên sau đó, họ đã đảo ngược kết luận này sau khi xác định thuốc không có khả năng chống lại virus và có thể có tác dụng phụ nguy hiểm.

Phương pháp điều trị nào hiệu quả với Omicron?

Ngày 23/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết steroid và interleukin-6 dự kiến ​​vẫn có hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Omicron, vì chúng điều trị chứng viêm chứ không nhắm trực tiếp virus. Các phương pháp điều trị trực tiếp chống lại virus đang được đánh giá.

Các nhà sản xuất thuốc kháng virus cho biết họ hy vọng sản phẩm của mình có thể ứng phó với biến chủng mới. Gilead cho biết sản phẩm Remdesivir có tác dụng trước Omicron.

Các liệu pháp kháng thể nhận nhiều sự quan tâm hơn vì chúng nhắm vào đột biến trong protein gai - bộ phận virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào cơ thể - và Omicron vốn được biết đến với hơn 30 đột biến.

Regeneron Pharmaceuticals xác nhận vào ngày 16/12 rằng REGEN-COV - liệu pháp điều trị kháng thể - giảm tác dụng với Omicron. Trong khi đó, thuốc Sotrovimab - sản phẩm của GlaxoSmithKline hợp tác với Vir Biotechnology - vẫn có hiệu quả.

Làm sao để chứng minh phương pháp điều trị có hiệu quả?

Ngay cả khi một phương pháp điều trị đạt triển vọng trong phòng thí nghiệm, cả trên động vật lẫn ở người, vẫn cần phải kiểm tra nghiêm ngặt để chứng minh phương pháp đó vừa an toàn vừa hiệu quả.

Đây chính là lúc cần tới thử nghiệm lâm sàng. Thông thường, thử nghiệm lâm sàng sẽ xem xét và đối chứng hiệu quả của thuốc giữa nhóm bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên và nhóm bệnh nhân không sử dụng.

Thử nghiệm cũng cố gắng loại trừ tất cả yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu quả thực sự của thuốc. Tuy nhiên, có bệnh nhân thường tự khỏi bệnh hoặc tình hình sức khỏe cải thiện nhờ các biện pháp chăm sóc hỗ trợ như nghỉ ngơi hay bổ sung nước. Trong khi đó, có một số người lại ốm tới mức không đáp ứng với phương pháp điều trị dù nó có hiệu quả tới đâu.

phuong phap dieu tri benh nhan covid-19 anh 8

Mỗi phương pháp điều trị cần khoảng thời gian xác định độ an toàn khác nhau. Ảnh: New York Times.

Mỗi phương pháp điều trị có khoảng thời gian khác nhau để chứng minh hiệu quả. Có loại thuốc đã được phê duyệt để chống bệnh này và được chứng minh là an toàn, hiệu quả với bệnh khác chỉ trong vài tháng.

Những loại thuốc mới trong giai đoạn thử nghiệm có thể mất nhiều thời gian hơn để kiểm chứng, bởi chúng phải trải qua các nghiên cứu ban đầu nhằm đánh giá độ an toàn.

Ngoài ra, việc cung cấp các ứng cử viên hay số lượng bệnh nhân hiện có tham gia vào quá trình thử nghiệm cũng là những yếu tố có thể làm chậm việc đánh giá hiệu quả thuốc. Thử nghiệm cũng cần được các cơ quan giám sát đạo đức và cơ quan quản lý thuốc phê duyệt.

Theo bản đánh giá vào năm 2017, thời gian trung bình để cơ quan quản lý phê duyệt một loại thuốc mới vào năm 2015 là 333 ngày ở Mỹ, 422 ngày ở châu Âu và 639 ngày ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu thuốc cần để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức, chẳng hạn như trong đại dịch, các cơ quan quản lý có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt bằng một số cách, trong đó có phê duyệt khẩn cấp.

Cú 'đổi đời' nhờ vaccine Covid-19 của thành phố Đức

Từ thành phố nhỏ với khoản vay lớn vào những năm 1990, Mainz - nơi đặt trụ sở của BioNTech - không chỉ trả hết nợ mà còn tham vọng trở thành trung tâm công nghệ sinh học toàn cầu.

Nghiên cứu mới về độc lực của Omicron

Dữ liệu mới thu thập cung cấp tin tốt hiếm hoi khi người nhiễm Omicron có thể có triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, số ca nhập viện vẫn sẽ tăng lên vì biến chủng này rất dễ lây lan.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm