Ngày 26/10, Bộ Y tế chọn vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Đây là loại vaccine duy nhất được WHO khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em. Trên thế giới, Pfizer hiện là vaccine Covid-19 được sử dụng nhiều nhất cho người dưới 18 tuổi.
Tại Việt Nam, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ. Từ ngày 27/10, TP.HCM đã bắt đầu tiêm chủng vaccine Pfizer cho trẻ với hai địa phương đầu tiên là huyện Củ Chi và quận 1.
Hiệu lực
Vaccine Comirnaty do hai hãng dược Pfizer (Bỉ) và BioNTech (Đức) sản xuất, dựa trên công nghệ mRNA. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đây là công nghệ mới, chỉ xuất hiện ở hai vaccine Covid-19 là Pfizer và Moderna. Cơ chế hoạt động của vaccine mRNA là giúp tế bào cơ thể tạo ra protein vô hại nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, tạo kháng thể chống nCoV.
Bộ Y tế khẳng định vaccine Pfizer không làm thay đổi hoặc tương tác với DNA của người được tiêm chủng theo bất kỳ cách nào, không sử dụng virus sống gây bệnh Covid-19 và không thể lây truyền nCoV cho người được tiêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận sử dụng Pfizer trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Tại Việt Nam, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vaccine này cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 12/6.
TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi vào sáng 27/10. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh Covid-19 của Pfizer đạt từ 95% đến 100% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày.
Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vaccine Covid-19 mRNA của Pfizer-BioNTech an toàn và hiệu quả.
Thử nghiệm giai đoạn 3 ở trẻ 12 - 15 tuổi cho thấy vaccine có hiệu lực cao và an toàn ở nhóm tuổi này. Do đó, nhà sản xuất Pfizer/BioNTech đã mở rộng chỉ định được tiêm vaccine này từ 16 thành 12 tuổi trở lên. Đây cũng là số ít vaccine đã thử nghiệm lâm sàng và cho phép trẻ vị thành niên tiêm chủng.
WHO khuyến cáo các nước nên cân nhắc việc sử dụng vaccine Covid-19 này cho trẻ 12-15 tuổi khi các nhóm ưu tiên khác đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Liều dùng
Loại vaccine Comirnaty do Pfizer và BioNTech sản xuất có 0,3 ml mỗi liều với 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (bọc trong các hạt nano lipid) và được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, dùng để tiêm bắp.
Vaccine được chỉ định tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên, lịch tiêm gồm hai mũi, khoảng cách giữa hai mũi là 3-4 tuần. Theo CDC, trong trường hợp cần thiết, mũi thứ 2 có thể cách mũi thứ nhất tối đa 6 tuần.
12 ngày sau khi tiêm vaccine Pfizer mũi đầu tiên, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh kháng thể. Tuy nhiên, để bảo vệ tối đa, người dân phải tiêm đủ 2 liều theo khuyến cáo của WHO.
Bộ Y tế khuyến cáo chúng ta nên tiêm vaccine Covid-19 tối thiểu cách 14 ngày với các loại vaccine phòng bệnh khác. Tuy nhiên, tại Mỹ, CDC khuyến cáo trẻ em được phép tiêm các vaccine khác khi đã/sắp tiêm Pfizer.
Pfizer là vaccine Covid-19 đầu tiên và duy nhất hiện nay được chọn tiêm cho trẻ em. Ảnh: Reuters. |
Một số nhóm người đặc biệt được chỉ định tiêm Pfizer gồm: Trường hợp có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh tự miễn, bệnh nhân HIV, người có tiền sử bị liệt mặt (có thể tiêm nếu không có chống chỉ định), bệnh nhân có tiền sử dùng kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương của người khỏi Covid-19 để điều trị trước đó (tiêm vaccine ít nhất sau 90 ngày để tránh ảnh hưởng của việc điều trị tới đáp ứng vaccine gây ra).
Vaccine của Pfizer/BioNTech được đánh giá có hiệu quả ngay cả với phụ nữ đang cho con bú. Do đó, WHO khuyến cáo người đang nuôi con bằng sữa mẹ vẫn nên tiêm phòng. Các bà mẹ cũng không cần phải dừng cho con bú với lý do tiêm vaccine Covid-19.
Nhóm người không được tiêm
Bộ Y tế quy định rõ chống chỉ định tiêm Pfizer với 3 trường hợp:
- Người có tiền sử phản ứng nặng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
- Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine. Đặc biệt, người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG) hoặc các phân tử liên quan không được tiêm vaccine Pfizer.
- Những người có phản ứng dị ứng ngay lập tức (phản vệ, nổi mề đay, phù mạch, suy hô hấp) với liều đầu tiên của vaccine này sẽ không tiêm liều tiếp theo.
Ngoài ra, vaccine chỉ sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên nên nhóm trẻ em dưới độ tuổi khuyến cáo cũng không được tiêm chủng.
Phản ứng sau tiêm
Tác dụng phụ sau tiêm là những triệu chứng rất bình thường cho thấy vaccine đang hoạt động. Bộ Y tế phân loại các phản ứng sau tiêm Pfizer như sau:
- Phản ứng phổ biến (≥10%) như đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn ở liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm.
- Phản ứng phổ biến (từ 1/100 đến dưới 1/10): Buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm.
- Không phổ biến (≥1/1.000 đến <1/100): Nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm.
- Hiếm (≥1/10.000 đến <1/1.000): Bell’s palsy (liệt mặt ngoại biên cấp tính).
- Phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine hay tai biến nặng sau tiêm như viêm cơ tim rất hiếm gặp.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.