Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng
Hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật
Tổng hành dinh là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam những năm 1967-1975. Đây được coi là “bộ não” của chiến dịch Hồ Chí Minh, nơi đưa ra nhiều quyết định quan trọng tiến tới thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng làm rõ thêm vai trò chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Bộ thống soái tối cao trong mùa xuân lịch sử.
Đại thắng mùa xuân
Đại tướng Văn Tiến Dũng, NXB Quân đội Nhân dân
Cuốn sách của Đại tướng Văn Tiến Dũng phác thảo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Theo lời tác giả viết, “Cuốn sách nhằm giới thiệu với bạn đọc những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự đấu lực và đấu trí rất thông minh của Đảng, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược và chiến dịch để dẫn đến toàn thắng”.
Sách được đánh giá là “mang giá trị lịch sử và quân sự sâu sắc bởi nhiều cứ liệu chính xác”.
Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập
Thiếu tướng Hoàng Đan, NXB Quân đội Nhân dân
Thiếu tướng Hoàng Đan là người trải qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đảm đương nhiều chức vụ trong quân đội. Cuốn Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập là những trang hồi ức của vị tướng dạn dày trận mạc.
Ở đó, ông nhắc những kỷ niệm về các trận đánh mà ông và đồng đội trải qua, là những tư liệu quý về mùa xuân năm 1975 như: Thượng Đức, Huế, Phan Rang, Nước Trong, Thành Tuy Hạ, và cuối cùng là dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn để kết thức chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cuốn sách là nguồn tư liệu lịch sử sống động, mang giá trị lý luận quân sự quý báu, đúc kết từ thực tiễn.
Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975
Nguyễn Hữu Thái, NXB Lao động
Nguyễn Hữu Thái từng là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964) hoạt động trong phong trào nội thành. Ông là người có mặt tại dinh Độc Lập từ sáng 30/4, góp phần tác động Dương Văn Minh ngừng bắn chờ “bàn giao trong vòng trật tự”, tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn.
Cuốn Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975 của Nguyễn Hữu Thái ghi lại diễn tiến các sự kiện mà ông chứng kiến, cùng lời kể những nhân chứng khác về ngày 30/4/1975. Sách hấp dẫn người đọc bằng nhiều tư liệu phong phú, giúp nhìn lại toàn cảnh sự kiện trong và sau ngày 30/4/1975.
Biệt Động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975)
Nguyễn Đức Hùng, NXB Văn hóa Văn nghệ
Trong suốt 30 năm đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước có phần công sức lớn của lực lượng biệt động. Là chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (1928-2012), thường gọi là Tư Chu, đã viết cuốn sách Biệt Động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975).
Nhà văn, chính trị gia Trần Bạch Đằng - tác giả Ván bài lật ngửa - từng viết: "Trong suốt 30 năm đấu tranh vũ trang vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, cách đánh biệt động đô thị trở thành một chiến thuật đạt đến trình độ cao của nghệ thuật tác chiến, sự vận dụng tổng hợp sức mạnh của nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa của chiến tranh nhân dân và góp phần hình thành phương châm chiến lược “ hai chân ba mũi, giáp công ba vùng”.
Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, NXB Trẻ
Nhắc tới sự kiện 30/4/1975, nhiều người thế hệ sau nhớ tới hình ảnh xe tăng tiến vào dinh Độc Lập. Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (chiến sĩ lái xe tăng 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, cùng đơn vị là những người đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập). Hành trình đến ngày chiến thắng được ông kể trong cuốn Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập.
Hành trình ấy trải dài hàng nghìn cây số, hàng nghìn ngày có lẻ, bao mất mát, hy sinh… Cuốn sách được tác giả viết kể về hành trình đến ngày vinh quang, như nén tâm nhang thắp cho đồng đội đã khuất, là món quà cho đồng đội đã rời quân ngũ, ngày đêm bươn chải đời thường. Nhưng sách cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý về sự kiện lịch sử trọng đại.
Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa
Viện Nghiên cứu Phương Đông, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật
Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc thông tin về sự kiện 30/4/1975 qua văn bản của Nhà Trắng. Sách chia làm hai phần chính. Phần một là những tài liệu nguyên bản tuyệt mật do phía Mỹ giải mật năm 2015, nội dung là những quyết sách, hành động của người đứng đầu bộ máy chiến tranh nước Mỹ trong những ngày sụp đổ chính quyền Sài Gòn.
Phần hai là những trang viết, hồi ức của tướng lĩnh cấp cao Mỹ trực tiếp có mặt, chỉ huy cuộc di tản trong giờ phút cuối chế độ ngụy quyền.