11 năm qua, khi nào hay tin Sài Gòn có điểm kẹt xe, anh thợ rửa xe Nguyễn Văn Linh lại chạy đến, ra giữa đường điều tiết giao thông, mặc nắng, mưa, khói bụi.
Anh Nguyễn Văn Linh (quê Bình Thuận), làm việc rửa xe gần nhà trọ của anh trên quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM.
Công việc của anh bắt đầu từ 6h, tạm nghỉ lúc 9h45 sáng và 15h15, rồi vội vàng tắm rửa, chuẩn bị đồ nghề lên đường tìm chỗ kẹt xe, điều tiết giao thông. Đây là niềm đam mê của bản thân người đàn ông 44 tuổi. Anh mong muốn góp một phần nhỏ giải quyết vấn nạn giao thông của thành phố.
Đồ nghề của anh là chiếc gậy hiệu lệnh điều tiết giao thông và chiếc còi luôn đeo trên cổ. Từ năm 2005, khi còn đang làm nghề lái xe ôm, đi đâu anh cũng thấy Sài Gòn kẹt xe, nhiều người chen nhau giữa mưa nắng rất khổ sở nên nảy ý định phải mở đường cho họ. Hàng ngày, vừa làm vừa theo dõi VOV Giao thông, nghe khu vực nào có tình trạng kẹt xe là Linh chạy tới.
Thời gian đầu anh thường điều tiết giao thông ở các nút Mỹ Thủy, Xa lộ Hà Nội, ngã tư Thủ Đức (quận 2, 9), KCN Sóng Thần (Bình Dương) cùng rất nhiều giao lộ ở trung tâm và ngoại thành Sài Gòn. 10h hôm 29/11, sau khi đảo qua nhiều giao lộ thường hay kẹt xe từ ngoại đến nội thành, anh phát hiện giao lộ 3/2-Lê Hồng Phong xe cộ bị ùn ứ kéo dài ở hai đầu đường. Để xe trên lề, "hiệp sĩ giao thông" xông ra giữa đường để phân luồng.
Tay cầm gậy hướng dẫn, miệng thổi còi, anh di chuyển liên tục khắp giao lộ, thực hiện động tác rất chuyên nghiệp. Anh cho biết thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, cứ lóng ngóng giữa đường khiến nhiều người tưởng anh cản trở giao thông. Không bỏ cuộc, anh âm thầm quan sát cách điều tiết, động tác của các chiến sĩ CSGT áp dụng cho mình.
Sau khoảng 30 phút xử lý, tình trạng kẹt xe tại giao lộ này trở nên thông thoáng. Sau đó nghe thông tin giao lộ 3/2-Nguyễn Kim đèn tín hiệu không hoạt động, các phương tiện chen nhau anh lập tức di chuyển qua. "Giữa trời nắng, mưa nên ai cũng dễ nóng tính muốn chen lên trước khiến việc điều tiết gặp nhiều khó khăn. Công việc này đòi hỏi không chỉ nhanh chân, lẹ mắt mà phải cư xử khéo léo, linh hoạt để thuyết phục người tham gia giao thông nghe theo mình", anh Linh chia sẻ sau khi xong việc.
Hiệp sĩ giao thông cười cho biết thêm: "Trải qua năm này tới năm khác có mặt ở nhiều nút giao thông, người đi đường dường như đã quen mặt và biết công việc tôi làm mà chấp hành hiệu lệnh nên cũng thuận lợi hơn xưa rất nhiều". Đó cũng là động lực để bất kể thời tiết nắng, mưa, ngập nước, anh vẫn hăng hái làm việc. Anh kể có lần khi đang điều tiết giao thông bị công an phường ở quận 1 đưa về trụ sở tra khảo. Năm 2007, khi đang giải tỏa kẹt xe ở ngã tư Bốn Xã, anh thậm chí bị mất chiếc xe máy để trên lề đường.
Nhiều người đi qua còn hỏi thăm, thậm chí biếu anh chai nước, gói bánh, áo mưa...
Hiệp sĩ giao thông luôn sẵn sàng giúp đỡ những người thu gom rác, hàng rong, đưa xe đẩy qua đường.
"Thường xuyên chứng kiến anh Linh hướng dẫn xe cộ qua lại tôi thấy anh ấy làm việc rất nhiệt tình, bài bản, luôn niềm nở với người qua đường", ông Huỳnh Ngọc Nga (quận Bình Thạnh) thường xuyên có mặt tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhận xét.
Việc đứng giữa đường vào buổi tối tuy không nóng bức nhưng đèn xe chiếu rọi nhiều hướng, việc di chuyển gặp nhiều nguy hiểm không làm anh chùn bước. Trái lại, anh làm việc đến khi nào đường thông thoáng mới nghỉ.
Sau giờ cao điểm, khi mọi người đã về đến nhà, "người vác tù và hàng tổng" mới xem đồng hồ và trở về với gia đình nhỏ của mình ở ngoại thành Sài Gòn.
Căn phòng trọ chỉ khoảng 14 m2 mà vợ chồng anh thuê gần 2 triệu đồng/tháng được sắp xếp khá gọn gàng. Trên tường treo hàng chục giấy khen thành tích học tập của hai con, đó là niềm tự hào lớn của anh Linh và vợ.
Năm 2012 anh được chương trình Total Hiệp sĩ giao thông và VOV tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông". Linh cũng vinh dự được Giám đốc Sở GTVT TP.HCM tặng giấy khen vì đã tích cực tham gia công tác điều tiết giao thông nhiều năm liền, góp phần chống ùn tắc giao thông, phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Chị Huỳnh Thị Âu (40 tuổi), vợ anh Linh cho biết lúc đầu chị phản đối rất kịch liệt do suốt ngày đứng giữa đường rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến công việc nhưng thấy anh quá đam mê đã không cản được. "Với lại việc làm này giúp đỡ nhiều người, tích đức cho con cháu nên tôi cũng dần ủng hộ. Nhiều hôm 21-22h mới về tới nhà, người ướt đầm đìa tôi vừa giận lại vừa thương", vợ hiệp sĩ giao thông chia sẻ.
Nghề rửa xe của anh Linh thu nhập thất thường từ vài chục đến vài trăm nghìn/ngày, cộng thêm số tiền ít ỏi từ công việc lột tỏi của vợ. Chi phí cho hai con học, tiền xăng chạy đi chạy lại điều tiết giao thông cũng khá tốn kém, cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà Linh bỏ cuộc. Anh mong muốn có được sức khỏe để được làm công việc mình đam mê, cống hiến cho xã hội.
Ngoài việc giải quyết những bức xúc thường trực như kẹt xe, ngập nước, mục tiêu của TP HCM hướng đến là phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và nghĩa tình.
Tiện ích mới của Google cho biết tình trạng giao thông hiện tại trên các tuyến đường. Nhờ đó, người dùng có thể biết được đoạn đường nào đang kẹt xe để tránh.