Ở tuổi 74, cụ Dương Công To ở xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) vẫn còn khỏe mạnh. Ngày cuối năm, ông cụ tóc bạc phơ lần giở những trang nhật ký nhảy cầu Cần Thơ để thống kê lại số người muốn tìm đến cái chết sau bốn năm rưỡi từ ngày chiếc cầu dây văng nối liền sông Hậu được khánh thành.
Một, năm, mười hai, hai bảy rồi ba mươi mốt nhưng chỉ có 8 người được cứu sống sau những cú nhảy tử thần ở độ cao gần 40 m.
Cụ ông 73 tuổi thống kê danh sách những người nhảy cầu Cần Thơ. |
"Chết hay sống đều chung đặc điểm là lột da khắp cơ thể vì bị nước ép quá mạnh vào da thịt. Tám người sống có 4 nữ. Nhảy cầu Cần Thơ tự tử chủ yếu là buồn chuyện tình cảm hoặc giận ai đó trong nhà", ông To trầm ngâm.
Theo ông, ở xóm Hòa Hưng của xã Mỹ Hòa láng giềng gọi ông là Tư Hài - theo tên của vợ. Thuở nhỏ ông lớn lên trong vùng căn cứ Cái Ngang của huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Nửa thế kỷ trước ông lên thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long) học trung học kỹ thuật nên có điều kiện tham gia phong trào đấu tranh chính trị trong sinh viên, học sinh.
5 năm trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đạp xích lô mưu sinh và được chính quyền cách mạng bố trí để mắt động tĩnh của địch. Nhờ đó, ông gặp lại người phụ nữ từng bị địch nhốt chung rồi trở thành vợ chồng với bà Tư Hài.Sau 1975, ông To được bố trí công tác bảo vệ chính trị của Công an Cửu Long. Vài năm sau vì lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống vất vả nên vợ chồng ông về quê bà Tư Hài cất nhà ven sông, đóng đáy mưu sinh.
Gần nơi ông ở có bến phà Cần Thơ bên phía Bình Minh xuất hiện gần 50 miệng đáy. "Ngư dân" có thân hình cao to này tiếp tục được chính quyền sở tại cử làm thư ký ấp, tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực ven sông Hậu, kể cả phía Cần Thơ.
Hơn 30 năm trước mỗi khi gió chướng thổi, sông Hậu đón ghe tàu tấp nập từ các nơi về mua bán hàng chuẩn bị đón năm mới. Nhộn nhịp là vậy nhưng gió to sóng lớn luôn làm ngư dân ám ảnh bởi có rất nhiều tai nạn đường thủy xảy ra cướp đi sinh mạng người dân.
Vậy là mỗi mùa gió chướng về hoặc gặp lúc mưa bão, ông To treo mình trên chiếc võng tre trong căn chòi lá ven sông để hướng mắt ra dòng Hậu Giang chờ chực cứu người.
Nhật ký nhảy cầu Cần Thơ ghi nhận 8 người sống, 23 người chết và mất tích. |
Bất kể ngày đêm, gió hú mưa gào ông vẫn luôn để ý những âm thanh lạ. Phát hiện tiếng kêu cứu của người bị nạn trên sông là ông nhảy ngay xuống ghe, phát loa gọi bạn bè đóng đáy nổ máy chạy ra cứu người.
Ngoài nhật ký nhảy cầu Cần Thơ, ông To không quên được ký ức hàng chục năm cùng láng giềng, đồng đội cứu hộ trên 200 tàu thuyền, cứu sống hơn 300 người khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không may gặp nạn trên sông. Trong đó có cả 27 nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cách nay hơn 8 năm.
Mất mát, đau thương quá lớn vẫn chưa nguôi lòng ông lão chuyên cứu người trên sông Hậu thì sau 4 ngày cầu Cần Thơ khánh thành đã có có đôi nam nữ đến khu vực dây văng để tìm cái chết vì buồn chuyện tình cảm. Khi thanh niên 22 tuổi ngụ huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) này lao xuống nước thì cô gái ngất xỉu vì hoảng sợ nên sống sót.
Một tháng sau lại có người nhảy cầu Cần Thơ thiệt mạng. Những năm sau đó cứ 1-2 tháng lại xảy ra các trường hợp tương tự.
Với quá nhiều lần cứu vớt người nhảy cầu Cần Thơ, cụ ông 74 tuổi đi tìm những xuồng câu ven sông Hậu dặn họ thường để ý những âm thanh, tiếng động lạ từ trên cầu rơi xuống nước. Nhờ vậy mà rạng sáng 5/5/2011 lần đầu tiên ông To cùng những người bạn câu kịp nhảy xuống sông Hậu mò nam sinh nhảy cầu tự tử. Khi đưa được cậu này lên ghe, mọi người thay nhau hô hấp nhân tạo rồi chuyển đến bệnh viện cứu sống.Một tháng sau đó, khi đang ăn cơm trong chòi canh, ông To phát hiện chấm đen nhấp nhô ngoài sông. Biết chuyện chẳng lành, "hiệp sĩ đường sông" buông đũa, bảo vợ gọi điện cho đồng đội rồi nhảy xuống ghe nổ máy chạy trước ra nơi nghi vấn.
"Đến nơi tôi thấy một cô gái sắp chết đuối nên nhảy xuống túm áo. Lúc này nhóm bạn chạy ghe ra hỗ trợ kéo lên đưa vào bờ, chuyển bệnh viện", ông To kể lại lần thứ hai cứu sống cô gái tìm đến cái chết vì buồn chuyện tình cảm.
Cần Cần Thơ - nơi có hơn 30 người nhảy xuống sông Hậu tìm cái chết. |
Chín tháng trước, sáng 20/4/2014 bảo vệ thấy cô gái khoác áo vàng đi bộ lên cầu Cần Thơ. Tưởng người này hóng gió nhưng khi ra gần đến nhịp giữa cô vội trèo lan can cầu gieo mình tìm cái chết. Ba ngày sau người dân phường Thành Lợi, thị xã Bình Minh tìm thấy xác nhưng không rõ danh tính nên lực lượng cứu hộ chôn người chết gần xóm Cây Me.
"Vài hôm sau người đàn ông gần nơi chôn cô gái trúng số. Ông này xây mộ đá thì thân nhân tìm đến xin bốc xác cô nhưng sau đó mọi người không làm vì thấy mồ yên mả đẹp", ông To nói.
Ngoài việc cứu người gặp nạn trên sông, ông To còn được bầu làm Đội trưởng Đội dân phòng đường sông xã Mỹ Hòa cách nay 18 năm. Trong thời gian này ông trực tiếp bắt 12 tên trộm cướp đường sông, cùng công an sở tại truy bắt hàng chục tên tội phạm trong gần 50 vụ trộm cắp tài sản.
Ba năm trước ông To được Bộ Công an tuyên dương trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm khu vực phía Nam và nhận bằng khen của Thủ tướng. Nay tuổi đã lớn, ghe tàu hư hỏng nhưng ông To vẫn ngày đêm canh gác bến sông, cùng đồng đội tuần tra đêm để cứu người không may gặp nạn hoặc muốn tìm đến cái chết.