Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệp hội bảo hiểm: Đây là khủng hoảng lớn nhất lịch sử ngành

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu thiệt đơn thiệt kép với cuộc khủng hoảng niềm tin này.

Trong suốt buổi chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chiều 24/4, ông Ngô Trung Dũng nhiều lần mô tả giai đoạn hiện nay là khủng hoảng lớn nhất ngành bảo hiểm nhân thọ về mặt niềm tin, kể từ khi thị trường được hình thành năm 1996.

Lũy kế đến hết tháng 3, có gần 13,69 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tăng 3,5% so với cùng thời điểm năm ngoái, tuy nhiên giảm hơn 235.000 hợp đồng so với cuối năm 2022.

Trả lời Zing, ông Dũng cho hay kể cả khi thị trường tăng trưởng tốt, số lượng hợp đồng vẫn có thể giảm vì đến hạn. Tuy nhiên, một lý do lúc này có thể là sự suy giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn, bên cạnh những khách mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) dừng đóng tiếp.

Gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance

"Sản phẩm bảo hiểm không sai, lỗi ở nhân viên tư vấn", vị Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhìn nhận.

Theo ông, hiệp hội thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp hội viên báo cáo danh sách đại lý vi phạm, những đại lý này sẽ không được hành nghề trong vòng ít nhất 3 năm. Riêng năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ.

bao hiem anh 1

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trao đổi với báo chí chiều 24/4. Ảnh: L.A.

Hiện tại, cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức. Trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Số liệu từ hiệp hội cho thấy trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới.

Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.

Điều đáng nói, 36,3% tổng số hợp đồng khai thác mới trong năm 2022 là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, 21,9% là liên kết đơn vị. Xét về phí, sản phẩm liên kết chung và liên kết đơn vị lần lượt chiếm 51,4% và 20,3%.

"Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết những năm gần đây khá cao, ví dụ năm 2021 tăng tới xấp xỉ 40%", ông Dũng nói và nhìn nhận sự tăng trưởng nóng của những sản phẩm phức tạp này là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả hoa hồng khác nhau cho ngân hàng tùy các loại hợp đồng khác nhau. Về cơ bản, hoa hồng bằng 25-40% phí năm thứ nhất, 7-15% phí năm thứ hai, khoảng 2% năm thứ 3... Hầu hết doanh nghiệp trả hoa hồng theo quy định của Bộ Tài chính, ngoài ra có thể thưởng thêm theo hiệu quả, năng suất bán hàng.

Ông nhấn mạnh việc chi trả hoa hồng năm thứ nhất cao là thực tế chung của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quốc tế chứ không chỉ ở Việt Nam. Có những doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng cho 3 năm đầu, có sản phẩm chỉ trả cho 5 năm đầu.

"Khái niệm cao hay thấp khá tương đối. Nếu hợp đồng 10-20 năm, phân bổ cả giai đoạn dài như vậy thì hoa hồng có khi chưa đến 10% tổng giá trị hợp đồng. Do đó, với những hợp đồng khách hàng mua rồi hủy ngay, thì rõ ràng công ty bảo hiểm thiệt hại. Việc ngân hàng giao lại KPI cho nhân viên bán bảo hiểm bằng mọi cách là nội bộ ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm không can thiệp được", ông Dũng chia sẻ.

Doanh nghiệp bảo hiểm không điều chỉnh sẽ khó tồn tại

Sau những lùm xùm và khủng hoảng vừa qua, ông Dũng cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm chịu ảnh hưởng rất nặng nề, chịu thiệt đơn thiệt kép. Do đó, bản thân doanh nghiệp nếu không có sự điều chỉnh thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp cần đảm bảo quy trình, nghiệp vụ và tăng cường đào tạo đại lý.

Từ khi hình thành thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 1996 đến nay, đây là khủng hoảng lớn nhất của thị trường về mặt niềm tin. Nếu doanh nghiệp không có sự cải tiến thì rất khó để tồn tại và phát triển.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Về phía cơ quan quản lý, ông cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực trong năm nay, đang chờ nghị định hướng dẫn.

Một số điểm mới bảo vệ quyền lợi khách hàng như quy định điều khoản loại trừ phải giải thích rõ ràng cho khách hàng, có bằng chứng ghi lại, đặc biệt quá trình tư vấn về sản phẩm bảo hiểm liên kết phải được ghi âm lại và lưu trữ trong vòng 5 năm.

Đối với đại lý, Luật đã quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, trong đó các tổ chức tín dụng muốn bán bảo hiểm cần đáp ứng số lượng nhân viên được cấp chứng chỉ, đồng thời có quầy riêng, tránh gây nhầm lẫn với các sản phẩm khác của ngân hàng...

Dù vậy, ông cho rằng để bảo vệ quyền lợi của chính mình, khách hàng vẫn nên nghiên cứu kỹ trước khi ký hợp đồng, đồng thời ghi âm lại quá trình được đại lý tư vấn.

Nói thêm về những khiếu nại của khách hàng thời gian gần đây, vị lãnh đạo tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho hay các trường hợp doanh nghiệp xác định rõ do nhân viên tư vấn sai, có bằng chứng rõ ràng, thì phía bảo hiểm sẽ hủy hợp đồng và hoàn lại phí.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có bằng chứng chứng minh điều này, bởi phía doanh nghiệp bảo hiểm thường lưu trữ ghi âm cuộc gọi sau khi hợp đồng được ký kết, xác nhận khách hàng không có khiếu nại, thắc mắc. "Trên thực tế có câu chuyện chính nhân viên ngân hàng xúi khách hàng trả lời như vậy...", ông Dũng nói.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Nhiều người mua bảo hiểm nhưng không quan tâm nội dung hợp đồng

Chuyên gia cho rằng việc nắm rõ quyền lợi, điều khoản lẫn nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rất cần thiết. Đây là căn cứ pháp lý bảo vệ người dùng khi xảy ra tranh chấp.

Bộ Tài chính chấn chỉnh doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLGSBH) yêu cầu doanh nghiệp kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm.

OceanBank sap doi ten hinh anh

OceanBank sắp đổi tên

0

Sau khi được MB tiếp quản, OceanBank dự kiến đổi tên thành MBV. Chủ tịch và tổng giám đốc mới của ngân hàng cũng là các lãnh đạo cấp cao tại MB.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm