Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệp định Paris là thắng lợi lớn về chính trị, quân sự và ngoại giao

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và ngoại giao của nhân dân Việt Nam.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, dù đã 96 tuổi, vẫn đến tham dự sự kiện Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào sáng 17/1. Ảnh: TTXVN.

Tham dự sự kiện Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào sáng 17/1, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định việc ký kết Hiệp định Paris là "một thắng lợi của cuộc đấu tranh về quân sự, về chính trị về ngoại giao của Việt Nam".

“Tôi rất lấy làm cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã có sự tin cậy đối với tôi, giao cho tôi trọng trách lớn. Trải qua hơn bốn năm đàm phán, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ là một trong bốn bên ký vào Hiệp định Paris”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hồi tưởng về quá trình tham gia đàm phán Hiệp định Paris.

Nguyên trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khẳng định thắng lợi của Hiệp định Paris cũng là nhờ vào sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

"Tôi rất tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Đảng quang vinh, đồng thời muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân" bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Bà Helene Luc, Thượng nghị sỹ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, kể lại những kỷ niệm của bà trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris bao gồm "nụ cười của ông Lê Đức Thọ" và "khuôn mặt rất đẹp của bà Nguyễn Thị Bình".

Biểu tượng của sự ngang hàng với nước Mỹ

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris, được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ, đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở nước ta.

Theo ông, thành công của Hiệp định Paris là "kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao".

"Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý", bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Hiep dinh Paris anh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện vào sáng 17/1. Ảnh: An Bình.

Theo ông Hà Đăng, thành viên đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, việc bà Nguyễn Thị Bình, với tư cách bộ trưởng Ngoại giao (của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - PV), ký vào Hiệp định Paris đã đặt vị trí của bà ngang hàng với người đồng cấp bên phía Mỹ là Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers.

"Tuy không muốn công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhưng với Hiệp định Paris, chính bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã phải đồng ký vào văn kiện trong đó người đại diện chính phủ này là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình", ông Hà Đăng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị Paris đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, những con người đã trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao, được bạn bè quốc tế quý mến.

Sự ủng hộ quý báu của cộng đồng quốc tế

Tại sự kiện vào hôm 17/1, ngoài việc tri ân những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Bình cũng gửi lời cảm ơn tới phong trào ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khẳng định lực lượng này đã có tác động lớn đến thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến tranh và trong quá trình đàm phán tại Paris.

"Thế giới đã ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam. Sự ủng hộ của thế giới đã đem lại thêm sức mạnh cho Việt Nam ở trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán", nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bình cho biết.

Bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, cho biết toàn thế giới đã hân hoan chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Bà khẳng định đây là chiến thắng đúc kết từ tinh thần anh dũng của nhân dân và từ sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc cùng các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Hiep dinh Paris anh 2

Bà Helene Luc, Thượng nghị sĩ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt kể lại những kỷ niệm của bà trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris cũng như nói về sự giúp đỡ của cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với đoàn đàm phán và người dân Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Trong quá trình diễn ra Hội nghị Paris, bà Luc cho biết đã cùng những quan chức và nhà hoạt động khác phát động phong trào đoàn kết để ủng hộ đoàn đàm phán của Việt Nam. Theo bà, hành động này "không chỉ nhằm khích lệ tinh thần đoàn, mà còn để chỉ rõ cho người Mỹ thấy được sự ủng hộ của không chỉ Pháp mà còn là cả châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới dành cho nhân dân Việt Nam".

"Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy (Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - PV) và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông, nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt rất đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình", bà khẳng định.

Bài liên quan

An Bình

Bạn có thể quan tâm