Là ranh giới phân định đầu tiên của phân khu đô thị sông Hồng, cầu Hồng Hà dự kiến bắc qua hai huyện Đan Phượng và Mê Linh. Kinh phí dự kiến xây cầu này trên 9.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn khoảng 6 km. Trong ảnh là đoạn đê Hồng Hà ở vị trí xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, nơi dự kiến xây cầu. |
Khu vực phía nam dưới chân cầu Hồng Hà là phần đê bãi Tiên Tân. Bên trong đê là nơi ở của hàng nghìn hộ dân với nhiều khu vực có ao, hồ bao quanh, đình chùa sát chân đê. |
Dự kiến tuyến đường dẫn lên cầu Hồng Hà là đường Tiên Tân. Khu vực này nằm trên trục đường vành đai 4 được định hướng quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp. |
Vị trí cầu Thượng Cát nối với vành đai 3,5, bắc ngang qua khu dân cư Liên Mạc - Thượng Cát (Bắc Từ Liêm). Vị trí phía bắc của cầu dự kiến nối thẳng đến gần khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ở khu vực chân cầu, Hà Nội dự kiến xây dựng tổ hợp công trình công cộng tài chính, dịch vụ thương mại. Cây cầu này có kinh phí xây dựng khoảng 6.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn dự kiến là 4,5 km. |
Hình ảnh cầu Thăng Long sau khi trải qua một đợt sửa chữa vào cuối năm 2020. Cầu hiện có 2 tầng, quy mô 4 làn tầng trên dành cho ôtô và hai làn tầng dưới dành cho xe thô sơ. Dự kiến, Hà Nội xây thêm cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, vị trí ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại. |
Vị trí xây cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng đoạn Tây Hồ sang khu vực huyện Đông Anh. Phương án thiết kế cầu này được dự tính là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, chiều dài và đường dẫn 4,84 km. |
Nối tiếp cầu Tứ Liên là cầu Trần Hưng Đạo, công trình đang được lấy ý tưởng thiết kế thông qua một cuộc thi do Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội tổ chức. Theo vị trí được quy hoạch, cầu Trần Hưng Đạo kết nối 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên với kinh phí đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, chiều dài và đường dẫn khoảng 6 km. |
Vị trí chân cầu Trần Hưng Đạo nằm ở khu dân cư tại Thạch Cầu (quận Long Biên). Ông Nguyễn Ngọc Huy, người dân sống tại khu vực này cho biết có nghe về dự án xây cầu tại đây. Ông đang chờ đợi dự án được triển khai và đi vào vận hành để di chuyển dễ dàng từ ngoại thành vào khu vực trung tâm Hà Nội. |
Trong số 8 cây cầu bắc qua sông Hồng được xây mới, chỉ có cầu Vĩnh Tuy 2 đang ở trong giai đoạn thi công. |
Đây là dự án giao thông trọng điểm kết nối hai bờ sông Hồng tại cửa ngõ phía đông nam Hà Nội. Cầu có chiều dài và đường dẫn khoảng 3,473 km; mặt cắt ngang cầu 19,25 m. Khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt. |
Cầu Ngọc Hồi được quy hoạch để kết nối hai huyện Thanh Trì và Gia Lâm của Hà Nội, bắc ngang qua bãi đất Hoàng Mai - Thanh Trì 1 và Kim Lan - Văn Đức. Cùng với việc quy hoạch lại các tuyến giao thông, đường bộ để tạo cảnh quan đồng bộ dọc hai bên sông Hồng, Hà Nội dự kiến dỡ bỏ tuyến đường sắt quốc gia hiện có (gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông - Bắc Hồng), thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 1 và 6. |
Điểm cuối của phân khu đô thị sông Hồng là cầu Mễ Sở nối huyện Thường Tín (Hà Nội) và huyện Văn Giang (Hưng Yên). Cầu dự kiến có kinh phí đầu tư khoảng trên 4.800 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn 13,8 km. Cùng với cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở sẽ được thiết kế để tuyến đường sắt vành đai Hà Nội chạy qua. |
Trong tương lai, khi cầu Mễ Sở được đưa vào xây dựng và vận hành, người dân ở hai bên bờ sông sẽ di chuyển dễ dàng và thuận tiện hơn. Hiện, người dân đi từ Hà Nội về một số địa phận thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) thường đi qua bến phà Mễ Sở để rút ngắn đường đi. |
8 cây cầu dự kiến được xây mới qua sông Hồng theo quy hoạch. Đồ họa: Như Ý. |