Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa từ các xe ‘ai thuê thì chạy’

Chiếc xe rước dâu gặp nạn làm 13 người chết là xe cũ, được tài xế mua để chạy hợp đồng, vẫn chưa được sang tên đổi chủ.

Nhiều ôtô quá hạn đăng kiểm, không có giấy phép kinh doanh, phù hiệu… vẫn vô tư chạy trên những tuyến đường dài. Đặc biệt, vào mùa cưới, những ngày lễ, nghỉ hè…, những chiếc xe và tài xế đều hoạt động hết công suất. Trong khi đó, việc quản lý những xe chạy hợp đồng kiểu này còn khá lỏng lẻo.

Thuê xe dễ như… ăn cháo

Vụ tai nạn khiến 13 người tử vong khi đi rước dâu vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Nguyên nhân được xác định là do tài xế ngủ gật, chạy lấn làn và tông phải xe container. Được biết chiếc xe gây tai nạn là xe cũ (đời 2004), được tài xế mua để chạy hợp đồng, vẫn chưa được sang tên đổi chủ.

Hiện nay dịch vụ cho thuê xe có mặt ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn và việc thương lượng tuyến đường, giá cả cũng được diễn ra dễ dàng, nhanh chóng.

Dạo một vòng trên Facebook, PV thấy xuất hiện hàng trăm chủ xe có nhu cầu cho thuê hoặc thuê xe tự lái. Khách hàng chỉ việc nhấc máy lên “alo” thỏa thuận thì lập tức được phục vụ như thượng đế. Giá cả lại được ưu đãi hơn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo đó, các xe hợp đồng loại này có giá bằng khoảng 2/3 so với từ các đơn vị kinh doanh vận tải.

Đóng vai khách hàng, chúng tôi đã gọi điện thoại cho một chủ xe (cũng là tài xế) rao cho thuê xe trên Facebook. Theo đó, chủ xe 16 chỗ cho biết giá thuê xe nguyên chiếc từ TP.HCM đi Phan Thiết trong hai ngày là 3 triệu đồng.

Nói rồi, vị này nhanh nhảu: “Xe của tôi là giá rẻ nhất rồi đó, nếu đi các xe khác thì phải tầm 4-5 triệu”. Thắc mắc vì sao có sự chênh lệch như vậy thì được cho hay “xe tôi là xe gia đình, không cần làm hợp đồng hay đăng ký kinh doanh gì, cứ coi đó như xe du lịch vậy”. Tuy nhiên, khi PV hỏi đến có mấy tài xế thì người này trả lời: “Xe hợp đồng mà em, nếu thuê thêm tài xế thì anh lấy gì nuôi con”.

Tương tự, một tài xế chạy hợp đồng xe bảy chỗ ở Đồng Nai tên Quế tỏ ra phấn khởi khi PV đặt xe: “Có phải chị đặt xe đi Đà Lạt ngày 8/8 không, chị đợi tôi kiểm tra lại lịch đã nhé. Có một mình tôi chạy nên nếu nhận cuốc rồi mà không chạy thì kỳ”.

Đoạn anh nói tiếp: “Ngày 7/8 tôi có chuyến đi Cà Mau về lúc 1h đêm, vậy rạng sáng ngày 8/8 mình có thể đi được nhé. Chị đi bao nhiêu người thì báo trước để tôi còn sắp xếp xe, riêng giá cả thì tôi chỉ lấy bằng 2/3 so với người ta thôi. Xe của nhà, không phải đóng thuế hay thuê thêm người nên giá mới rẻ vậy. Thôi thì lấy công làm lời vậy!”.

xe ruoc dau gay tai nan lam 13 nguoi chet anh 1
Nhiều ôtô quá hạn đăng kiểm, không có giấy phép kinh doanh, phù hiệu… vẫn vô tư chạy trên những tuyến đường dài. 

Vào mùa hốt bạc, tài xế bất chấp

Theo tài xế Đào Văn Tuyển (quê Thái Nguyên), nghề lái xe hợp đồng cũng theo mùa vụ, “ai kêu là chạy”. Theo đó, cứ đến mùa cưới, mùa nghỉ hè hoặc dịp lễ là anh gần như làm việc hết công suất.

“Đến mùa cao điểm, gần như tôi làm việc không nghỉ ngơi vì chẳng mấy khi được như vậy. Thậm chí có ngày tôi nhận 5-6 cuốc xe đám cưới. Nói chung cứ vào mùa, gần như tôi chỉ ngủ chợp mắt khoảng 30 phút rồi lại chạy xe tiếp. Nhiều hôm buồn ngủ, mệt mỏi lắm nhưng nghĩ đến cái nghề cũng có mùa nên gắng gượng” - anh Tuyển nói.

Ông Quách Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Tuyết Hon, cho biết đa phần xe hợp đồng du lịch đều mang tính cá nhân, việc tuyển chọn tài xế rất đơn giản, có khi chỉ cần biết lái là được.

“Đáng lý việc lựa chọn và tuyển tài xế phải hết sức thận trọng, cần phải lựa chọn người có kinh nghiệm và phải được sát hạch khi tuyển đầu vào thì họ lại xem nhẹ phần này. Đó là chưa kể tài xế cần phải được giám sát quá trình cầm lái nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách; hàng năm phải tổ chức tập huấn, đào tạo cho tài xế những quy định mới” - ông Quách Hôn nhấn mạnh.

1,5 tỷ đồng là số tiền Thanh tra giao thông TP.HCM xử phạt hơn 1.000 vụ vi phạm xe hợp đồng trá hình trong sáu tháng đầu năm 2018. Riêng từ ngày 20 đến 29/7, Thanh tra giao thông đã phát hiện và xử lý 57 vụ với số tiền xử phạt 67,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe hai tháng 16 trường hợp, tước phù hiệu xe hai tháng ba trường hợp.

Cơ quan quản lý khó can thiệp

Trao đổi về vấn đề xe hợp đồng, ông Phạm Lê Lâm, Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết chủ xe chỉ cần đăng ký kinh doanh, xin cấp phù hiệu thì có thể làm hợp đồng thuê xe với khách hàng. Việc cấp giấy phép kinh doanh diễn ra khá dễ dàng, chỉ cần quận/huyện cấp giấy thì chủ phương tiện có thể treo bảng nhận chạy hợp đồng một cách thoải mái.

“Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện không đăng ký kinh doanh, việc cho thuê xe hoặc chạy hợp đồng cũng giống như một hình thức chia sẻ xe. Thậm chí nhiều chủ xe không đăng ký phù hiệu vì đây chỉ là một hình thức thuê, mượn. Cơ quan quản lý khó thể can thiệp. Bởi vậy, khi người điều khiển gây tai nạn thì đây thuộc về ý thức và trách nhiệm của chủ xe, tài xế” - ông Lâm nói.

http://plo.vn/do-thi/giao-thong/hiem-hoa-tu-cac-xe-ai-thue-thi-chay-785886.html

Theo Đào Trang/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm