Bình luận
Phần lớn vận động viên (VĐV) tham dự Olympic không sống cuộc đời hào nhoáng. Họ phải làm thêm nhiều nghề, thậm chí tập luyện trong những điều kiện không phải tốt nhất.
Jo Brigden-Jones, tay đua thuyền Kayak của Đoàn thể thao Australia tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, là một trong số những VĐV như vậy.
Chèo cùng cá mập và cá sấu
Jones nói "nửa đùa nửa thật" rằng những con cá mập bò mắt trắng mang đến động lực cho VĐV chèo thuyền như cô. "Khi thấy một tia nước lớn bắn lên, bạn biết dưới đó đang có một con cá mập", Jones kể với BBC.
VĐV sinh năm 1988 trông khá thoải mái khi nói về trải nghiệm "đặc biệt" ấy. Có chiều dài trung bình 2,4 m và nặng 130 kg, cá mập bò mắt trắng thường sống trong những vùng nước ấm, cạn và dọc theo bờ biển và sông ngòi.
Jones sẽ tranh tài ở nội dung Kayak 500m vào ngày 6/8. Ảnh: Reuters. |
Tại Australia, cá mập bò thường xuất hiện trên những con sông nơi Jones tập luyện để nuôi hy vọng giành huy chương vàng Olympic Tokyo 2020.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cá mập bò mắt trắng được xem là thủ phạm trong những vụ tấn công con người gần bãi biển hay ở lòng sông.
Nhiều người hay lầm tưởng cá mập bò với những loài cá mập khác. Jones thì không. "Chúng khác nhiều với cá mập trắng", cô nói tiếp.
Nhưng né tránh cá mập không phải là "điều bất thường" duy nhất trong hành trình giành tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 của Jones. Khi cô gái sinh ra ở Mona Vale cùng đồng đội đến địa điểm tập luyện chuẩn bị cho Olympic tại Olympic, có một bất ngờ lớn dành cho họ.
Những con sông mà tuyển Kayak Australia dự kiến tập luyện từng là nơi sinh sống của cả đàn cá sấu. "Thật may là chúng tôi chưa thấy trực tiếp con nào trong lúc tập, nhưng có lần chúng tôi đã chèo thẳng đến một trang trại nuôi cá sấu", Jones hài hước.
Tại đó, các nhân viên trang trại cho họ xem một con cá sấu lớn. Nó bị bắt trong lúc đang bơi tại địa điểm tập luyện của tuyển Kayak Australia. Jones bông đùa rằng cả đội tốt nhất là không nên nghe câu chuyện ấy.
Đó không phải lần đầu các VĐV chèo thuyền Australia bơi trên những con sông có cá sấu. Năm 2018, tuyển Rowing Australia cũng được bố trí tập luyện trên một dòng sông ở miền trung Queensland. Địa điểm tập luyện này được ca ngợi là rất tuyệt cho các VĐV, trước khi nhiều thành viên trong đội được dân địa phương kể về sự xuất hiện của những con cá sấu.
Tất nhiên với Jones, người đã quá quen với những vũ điệu chèo thuyền cùng cá mập bò mắt trắng ở các con sông quen thuộc, tập luyện trên những vùng nước từng xuất hiện cá sấu không phải là điều kỳ lạ duy nhất cô gặp. Bởi bên cạnh việc sắm vai một VĐV thể thao đỉnh cao, Jones còn sống một cuộc đời khác. Đó là một nhân viên y tế.
Jones trong đồng phục nhân viên y tế Australia. Ảnh: Reuters. |
Tập ban ngày, làm việc ban đêm
Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 là kỳ Olympic thứ hai trong sự nghiệp thể thao của Jones. Tuy nhiên, cô không giống với các cầu thủ bóng đá hay bóng rổ, những người tập trung hoàn toàn cho sự nghiệp thể thao. Jones luôn muốn cân bằng giữa việc là một VĐV đỉnh cao và một nhân viên y tế.
Ban ngày, Jones chèo thuyền trên những con sông là nơi trú ngụ của cá mập. Tới đêm, cô chìm trong những cuộc gọi khẩn cấp, ca trực xuyên đêm hay làm thêm giờ.
Thế nhưng, đó chỉ là cuộc sống trước khi đại dịch Covid-19 xảy đến. "Bạn không còn là người đứng ở ngoài và nghe kể về nó (đại dịch Covid-19 - PV), kiểu như là nó đã đến, xảy ra trước mắt và nhìn chằm chằm vào mặt bạn", Jones chia sẻ.
Việc Olympic Tokyo bị hoãn vào năm ngoái khiến nữ VĐV này rất đau lòng và suy sụp. Jones từng chịu cảm giác cay đắng khi phải ngồi ngoài ở Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic Rio 2016, do chấn thương nặng ở vai.
VĐV người Australia lên kế hoạch giải nghệ sau Thế vận hội 2020. Nhưng việc giải đấu bị hoãn khiến cô phải tiếp tục duy trì tập luyện với cường độ cao. Đó là một thử thách lớn về thể chất lẫn tinh thần cho cô gái 33 tuổi.
Nhưng là một người trực tiếp chiến đấu với đại dịch, cô hoàn toàn hiểu lý do tại sao giải đấu phải bị hoãn. Jones cũng có niềm đam mê lớn với y học. Cô luôn muốn trở thành một bác sĩ, hay một nhân viên y tế có thể giúp đỡ cộng đồng.
"Tôi luôn thích những thứ liên quan đến y học, và thật tuyệt khi nó mang lại những tác động đến cộng đồng", cô nói. "Làm một nhân viên y tế là công việc mà tôi yêu thích và cảm thấy thoải mái".
Điều đó lý giải cho việc sống hai cuộc đời - một của VĐV chuyên nghiệp, một của nhân viên y tế - điều mà Jones đã nỗ lực theo đuổi trong hơn một thập niên qua. Có giai đoạn cô phải làm việc quá sức, bởi quá trình tập luyện để duy trì phong độ đỉnh cao.
Olympic Tokyo 2020 là kỳ đại hội đánh dấu tròn hai thập niên Jones theo đuổi nghiệp thể thao đỉnh cao. Cô tập kayak từ năm 13 tuổi, khi được các tuyển trạch viên lựa chọn.
Từ trước giải đấu, Jones nỗ lực tập luyện với cường độ cao. Cô hy vọng mình có thể giành huy chương. Giải đấu trên đất Nhật giống như phần thưởng cuối cùng, sau một hành trình dài sống hai cuộc đời của nữ nhân viên y tế này.