Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểm họa đằng sau 'núi tiền mặt' tại châu Á

Chỉ cần công ty tại Đông Á tiêu một nửa núi tiền họ đang giữ, GDP của toàn thế giới sẽ leo dốc 2%, Tạp chí The Economist chỉ ra.

Trong kinh doanh, cẩn thận quá đôi lúc lại mang tới sự nguy hiểm. Người lái xe đi với tốc độ chậm dưới chuẩn trên đường cao tốc sẽ dễ gặp tai nạn hơn khi đi nhanh, trẻ em được bao bọc quá mức sẽ lớn lên với sức đề kháng yếu.

Nền kinh tế cũng vậy: Tiết kiệm quá mức sẽ rút mòn sức mạnh, như nhà kinh tế J. M. Keynes đã gọi tên hiện tượng này là “Nghịch lý của sự tằn tiện” ("Paradox of thrift").

Hiểm họa đằng sau
Hiểm họa đằng sau "núi tiền mặt" ở châu Á.

Theo ông, chi tiêu của người tiêu dùng đóng góp vào lợi ích của tập thể, tức làm tăng thu nhập của người khác. Chính vì vậy, khi mọi người tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu, doanh thu sẽ sa sút, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, hạ lương và sa thải lao động.

Đây cũng là lý do khiến nhóm doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải cẩn trọng với núi tiền khổng lồ của mình.

Tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ tiết kiệm trong doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Các nhà lãnh đạo cảm thấy cần phải tự bảo vệ mình trước suy thoái tài chính. Thêm vào đó, trong một nền kinh tế đã chín muồi, cơ hội đầu tư cũng hạn hẹp hơn.

Tỷ lệ tiền mặt dữ trữ trong doanh nghiệp so với GDP theo số liệu năm 2014.
Tỷ lệ tiền mặt dữ trữ trong doanh nghiệp so với GDP theo số liệu năm 2014.

Nhưng riêng Nhật Bản được coi là một “ca” vào hàng cá biệt tại châu Á, khi doanh nghiệp Nhật nắm giữ tới 2,1 nghìn tỷ USD tiền mặt, chiếm tới 44% GDP, một tỷ lệ cao đến khó tin.

Theo sau là nhóm doanh nghiệp tại Hàn Quốc với 440 tỷ USD tiền mặt tích trữ, ứng với 34% GDP, cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ 11% GDP của các công ty Mỹ.

Chỉ cần công ty tại Đông Á tiêu một nửa núi tiền họ đang giữ, GDP của toàn thế giới sẽ leo dốc 2%.

Đáng buồn thay, khả năng này gần như không thể xảy ra. Lãnh đạo doanh nghiệp tại Đông Á vẫn chưa thể quên cơn ác mộng trong quá khứ, từ đợt sụp đổ tài chính tại Nhật vào cuối những năm 1980 cho đến khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc năm 1997.

Ở cả hai quốc gia này, các công ty tự hiểu rằng, mối quan hệ với các ngân hàng có thể phút chốc vỡ vụn chỉ sau một đêm, điển hình như giai đoạn đau thương năm 2008.

Người trả giá đầu tiên cho những chiến lược tài chính quá thận trọng lại chính là nhân viên hay nhà đầu tư của công ty.

Ở Hàn Quốc, lợi nhuận khối doanh nghiệp đã tăng nhanh hơn lương trong hơn 1 thập kỷ qua. Tình hình còn tệ hơn tại Nhật Bản, khi mức lương trung bình giảm 3,5% từ năm 1990 – 2012, trong giá cả lại leo dốc 5,5%.

Đối với cổ đông, Nhật Bản là quốc gia trả cổ tức theo lợi nhuận thấp nhất trong nhóm quốc gia phát triển G7. Tỷ lệ cổ tức tại Hàn Quốc cũng không khá khẩm hơn, chỉ đứng tại 1,2% trong nhóm chỉ số KOSPI, thấp nhất trong nhóm các quốc gia phát triển.

Nạn nhân tiếp theo sẽ là nền kinh tế Đông Á. Nếu các công ty đẩy mạnh chi tiêu, người tiêu dùng Nhật Bản cũng sẽ rút hầu bao nhiều hơn, thay vì hiện trạng như ngày nay. Tại Hàn Quốc, các hộ gia đình cũng đang “thắt lưng buộc bụng” khi tỷ lệ nợ trung bình gia tăng nhanh chóng.

Tình trạng các tập đoàn gia đình tích trữ quá mức tiền mặt cũng làm phương hại tới chiến lược tăng trưởng dài hạn của quốc gia, trong đó chú trọng đầu tư vốn vào ngành xuất khẩu hàng công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng đầu tư tại xứ sở Kim Chi chỉ đạt 1% kể từ năm 2008.

 Thành phố Seoul, Hàn Quốc.
Thành phố Seoul, Hàn Quốc.

Nhiều nhà lập pháp tại hai nước đang tìm cách thúc ép các công ty “giải tán” một phần núi tiền mặt này bằng nhiều cách khác nhau.

Tại Hàn Quốc, chính quyền Seoul đang xem xét áp thuế đối với khoản lợi nhuận thặng dư. Để tránh loại thuế này, các doanh nghiệp buộc phải tăng lương, cổ tức và chi tiêu, thậm chí các khoản đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải chịu thuế.

Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp tăng lương cho công nhân cao hơn mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% mà chính phủ đang hướng tới.

Ông cũng đang từng bước tung ra các chính sách cải cách để củng cố lợi ích cho cổ đông – thành phần yếu thế nhất giới kinh doanh tại những quốc gia phát triển. Ví dụ, một chỉ số Nikkei mới vừa được thiết lập, chỉ bao gồm những công ty có hoạt động kiểm soát doanh nghiệp tốt.  

Thêm vào đó, ông Abe cũng đang nắm trong tay nhiều biện pháp chưa được công bố chính thức, trong đó có việc buộc các công ty phải chịu sự quản lý của các nhóm lãnh đạo độc lập (chiếm trung bình chỉ 9% trong hội đồng công ty Nhật so với 70% tại Mỹ).

Chiến lược của ông Abe được đánh giá là khôn khéo hơn người hàng xóm Hàn Quốc. Việc áp thuế đối với cả các khoản đầu tư nước ngoài sẽ làm giảm tính hiệu quả trong kinh doanh. Ví dụ, khi đặt nhà máy tại các quốc gia có tính hiệu quả về mặt chi phí cao hơn như Việt Nam, Samsung có thể sẽ phải đối mặt với một khoản thuế phát sinh đánh vào vốn đầu tư ra nước ngoài.

Thay vào đó, sẽ hợp lý hơn nếu Hàn Quốc tính đến việc đưa ra chính sách để củng cố quyền của nhóm cổ đông, nhất là tại các tập đoàn gia đình, và khơi thông  lối tiếp cận của các công ty tới thị trường ngân hàng.

Bên cạnh những biện pháp tối ưu, cũng có một số chính sách bất cập được các quốc gia Đông Á đưa ra để đối phó với tình trạng doanh nghiệp tằn tiện quá mức. Nhưng nhìn chung, các nhà lập pháp đang ngầm gửi đi một thông điệp: Nếu có quá nhiều tiền mặt, hay trả cho cổ đông, vì suy cho cùng, đó đều là tiền của họ.

Nỗi khổ nhiều tiền của đại gia Việt

Trái ngược với nỗi lo kiếm tiền của số đông, đang có một nghịch lý là rất nhiều người có tiền không biết nên đầu tư vào đâu.

http://bizlive.vn/thuong-truong/hiem-hoa-dang-sau-nui-tien-mat-tai-chau-a-459847.html

Theo Lê Phương/ Bizlive

Bạn có thể quan tâm