Hát karaoke từ lâu đã trở thành một hình thức giải trí. Tuy vậy, không phải lúc nào người hát cũng ý thức chọn khung giờ phù hợp hoặc mở âm lượng vừa đủ để nghe. |
Tiếng hát karaoke quá lớn khiến cho người khác mất tập trung. Việc này tiếp diễn trong thời gian dài có thể gây stress, tổn hại thính giác... |
Nhiều người bực bội, khó chịu với những màn "tra tấn" karaoke nhưng không biết phải làm thế nào. Theo Điều 17, Nghị định 179/2013/NĐ-CP, tùy trường hợp, người vi phạm các quy định về tiếng ồn có thể bị phạt từ 1 đến 160 triệu đồng. |
Pháp luật đã có quy định mức phạt, tuy nhiên, rất ít trường hợp bị xử lý do hát karaoke gây ồn. Bởi để xử lý các trường hợp vi phạm phải xác định mức âm lượng vượt quá quy chuẩn cho phép. Trong khi các phường xã không có thiết bị đo tiếng ồn, muốn làm việc này họ phải nhờ các đơn vị có chức năng. |
Những tiếng hát từ chiếc loa kéo không chỉ gây phiền hà hàng xóm. Ởnhững quán ăn, việc phục vụ ca hát bằng hình thức này cũng ngày càng phổ biến, làm cho nhiều thực khách phiền lòng. |
Những năm qua, nhiều vụ án mạng xảy ra có nguyên nhân xuất phát từ hát karaoke bằng loa kéo. Người mở loa to, người bị làm phiền dẫn tới cự cãi, xô xát. |
Vừa qua, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào Hương ước, Quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Nhiều người dân và đại biểu HĐND TP.HCM cũng đồng tinh với quan điểm này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng không nên cấm triệt để loa kéo, thay vào đó là quy định cụ thể hơn về khu vực, thời gian và mức âm lượng của loại loa này. |