Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết tháng 7 phải điều tra xong bê bối gian lận điểm thi

Sau cuộc họp với 2 Bộ Giáo dục và Công an, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lưu ý việc điều tra tiêu cực thi cử phải kết thúc trong tháng 7.

Ngày 10/5, trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đã đề cập đến một số quan điểm xung quanh bê bối gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Sau cuộc họp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an về vấn đề này, Giáo sư  Bình cho rằng phải làm rõ 3 tuyến liên quan trong vụ gian lận này: tuyến tổ chức, tuyến những người đưa tiền và tuyến hưởng thụ. Ông nói, phải làm rõ trách nhiệm để xử lý.

Nhiều cái khó

Ông Bình đánh giá, với tuyến tổ chức thì các cơ quan chức năng cũng như công an đã làm rất rõ trách nhiệm đến đâu, nhưng tuyến những người đưa tiền và tuyến hưởng thụ thì chưa rõ.

Gian lan diem thi anh 1
Giáo sư Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ảnh: Quốc hội.

Phân tích rõ hơn về vụ gian lận này và những cái khó khi giải quyết, Giáo sư Phan Thanh Bình nêu hai vấn đề đặt ra.

Vấn đề thứ nhất, với Hà Giang thì đơn giản hơn nhưng với Sơn La, Hòa Bình thì rất khó, vì họ đã hủy hồ sơ gốc. Vì thế, công an phải mua trang thiết bị rất đắt tiền để xác nhận lại, đến cuối tháng 2 mới xong.

Cái khó thứ hai, theo ông Bình, là điều tra những vấn đề này không đơn giản. Ông cho rằng thực sự phải điều tra có hối lộ hay không mới có thể xử lý, vì cũng có trường hợp không nhờ nhưng người khác vẫn sửa điểm cho.

Hoặc với trường hợp 51 em đang học tại các trường cao đẳng, đại học, nếu theo quy định của pháp luật thì khi các em tham gia mới xử lý được, nhưng nếu cha mẹ hay người khác sửa điểm cho các em thì xử lý thế nào?

Ông Bình đặt ra nhiều tình huống liên quan đến các quy định của pháp luật và cho biết, tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Bộ Công an, Ủy ban có lưu ý việc điều tra phải kết thúc trong vòng một năm, nên theo quy định đến tháng 7 năm nay phải điều tra xong.

Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Giáo sư Phan Thanh Bình cũng đã lên tiếng về vụ gian lận thi cử và đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu hơn, đánh giá đúng hiện tượng sai phạm này.

Ông chia sẻ sai phạm trong thi cử không đơn giản là vấn đề của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương, bởi số lượng thí sinh được sửa điểm lên tới hàng trăm em.

Từ vấn đề này, theo ông cần phải nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay, không thì "coi chừng chúng ta đang xem thường hệ thống thi cử của chúng ta".

Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới?

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, dù dính bê bối gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, nhưng theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình bày tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đáng lưu ý, trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Giáo sư Bình cho rằng cần cân nhắc lại khi nói chúng ta là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới, nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta cần đọc kỹ. Bộ Giáo dục & Đào tạo nói với chúng tôi là vấn đề này chúng ta dịch chưa chuẩn. Đây là 1 trong 10 nền giáo dục tiến bộ nhất của thế giới thì có lẽ hợp lý hơn”, ông Bình nói.

Vấn đề trên được đưa vào báo cáo trình Quốc hội nên ông Bình cho rằng phải cân nhắc, dịch cẩn thận hơn về câu từ. Theo ông, đọc điều này thấy rất khó hiểu.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm