Một danh mục cứng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc diện cổ phần hóa với các mức nắm giữ cổ phần khác nhau của Nhà nước đang được Ban Soạn thảo Dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất xây dựng.
Cùng với bộ tiêu chí, phân loại DNNN (thay thế Quyết định 14/2011 QĐ-TTg) đang được hoàn tất cho phù hợp với định hướng mới về tái cơ cấu DNNN, nếu danh mục này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, “cửa” để các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương xin lùi tiến độ cổ phần hóa như đã từng diễn ra vào giữa năm nay sẽ chính thức đóng lại.
Quy định rõ được hình thức sắp xếp DNNN đi kèm tiêu chí phân loại thì tình chậm trễ sắp xếp DNNN sẽ chấm dứt. |
Không những thế, vướng mắc khó giải lâu nay trong việc thực thi cổ phần hóa DNNN theo khung tiêu chí phân loại dựa trên ngành nghề, lĩnh vực cũng sẽ được giải tỏa.
Cũng phải nhắc lại, khi bàn về cách phân loại DNNN hiện hành theo Quyết định 14/2011/QĐ-TTg, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex đã than phiền khá nhiều về rào cản vô hình xuất hiện từ các quy định mang tính khung chung này. “Chúng tôi muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp vận tải viễn dương, nhưng sẽ rất khó nếu ngành này lại có tên trong danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần”, ông Bảo nói.
Việc giữ trên 50% vốn nhà nước trong lĩnh vực vận tải viễn dương, về nguyên tắc, được hiểu là trong doanh nghiệp mà vận tải đường biển là ngành kinh doanh chính. Tuy nhiên, khi tiêu chí phân loại chỉ dựa trên lĩnh vực, ngành nghề thì các DNNN sẽ khó thực hiện mục tiêu thoái vốn ngoài ngành. Hơn thế, ông Bảo cũng lo ngại rằng, chính rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh cổ phần hóa lại là lý do để đơn vị nào muốn trì hoãn bấu víu.
Có thể thấy khá rõ tình thế này khi phân tích các lý do mà nhiều địa phương, đơn vị đưa ra giải trình cho những khó khăn trong thực hiện phân loại DNNN. Chẳng hạn, UBND TP. Hà Nội cho rằng, khó cổ phần hóa các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh nhà vì hoạt động theo tính chất sự nghiệp có thu, phục vụ các mục tiêu xã hội. Đặc biệt, cùng với TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội cũng có tên trong số các địa phương vẫn giữ 100% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khai thác điểm đỗ xe, công nghiệp, dịch vụ khác như địa ốc, thương mại...
Các yêu cầu cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, thoát nước cũng được Hà Nội, Bạc Liêu, Đồng Tháp kêu khó, vì tắc ở khâu định giá… Đó là chưa kể những khó khăn trong thực hiện cổ phần các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do mức hỗ trợ từ ngân sách theo kế hoạch không đạt định mức kỹ thuật, vì vậy không có nguồn thu để đảm bảo tái đầu tư và khó thu hút nhà đầu tư.
Đây cũng chính là lý do vẫn tồn tại hơn 150 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ môi trường đô thị và cấp thoát nước, cho dù đây không phải là lĩnh vực Nhà nước nắm giữ sở hữu 100%.
“Mức độ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp này vượt qua mức quy định. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, khả năng thực hiện cổ phần hóa các DNNN trong lĩnh vực này ở các địa phương sẽ rất khác nhau. Nếu đi cùng với tiêu chí phân loại là danh mục các doanh nghiệp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, thì việc thực thi sẽ trở thành pháp lệnh và không thể né tránh”, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đề xuất.
Từng trao đổi về vấn đề này, ông Deepak Mishra, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhắc tới yêu cầu phải có danh mục DNNN nào 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nào Nhà nước nắm giữ trên 50%, với các lộ trình cụ thể. “Kinh nghiệm của chúng tôi khi đi làm việc tại các địa phương cho thấy, nếu không cụ thể, việc thực hiện tại cấp địa phương thường khó khăn”, ông Deepak Mishra nói.