Tác giả Pierre Lemaitre đã trình diễn một vở bi hài kịch xuất sắc về sự bất hạnh, nghiệt ngã trần trụi của chiến tranh vô cùng hoàn hảo đến tận những trang cuối cùng.
Khi cuộc chiến tranh cận kề ngày kết thúc, khi tất cả những người lính đều đã chán ngán chiến tranh, vì một định mệnh nghiệt ngã, Albert Maillard và Édouard Péricourt đã gặp gỡ nhau.
Lúc ấy Albert bị chôn sống, và Édouard chính là người đã dùng mọi sức lực để lôi anh từ huyệt mộ, đưa anh về với cuộc sống. Nhưng Édouard bị trúng đạn và khuôn mặt anh biến dạng hoàn toàn. Số phận của hai người đã gắn liền với nhau từ ấy.
Édouard tráo đổi danh tính với một người lính khác, và tự xem mình đã chết. Anh không trở về gia đình giàu có của mình, và sống cạnh bên Albert, suốt thời gian sau chiến tranh, chỉ để chờ đợi cái chết trong sự tuyệt vọng và bất mãn.
Hai người lính bước ra khỏi cuộc chiến tranh buồn thảm, bị khước từ những mưu cầu cơ bản nhất của một người đàn ông. Họ uất hận chiến tranh, hay họ uất hận những con người đang giấy lên một phong trào tưởng niệm những người đã hy sinh kia.
Cả một đất nước chìm ngập trong không khí tưởng niệm người chết, hàng loạt những dự án về tượng đài, bia mộ được đề ra. Người ta xem những người đã chết là anh hùng, và lãng quên những người còn sống trở về.
Chính lúc ấy, Édouard đã trở lại là anh, với trí thông minh tuyệt vời, cũng khả năng sáng tạo kỳ lạ của một người nghệ sĩ, anh đã lên một kế hoạch hoàn hảo, cay đắng để lừa cả một đất nước đang sôi sục trong sự tưởng niệm giả tạo kia.
Mỗi nét vẽ của anh đều như một điệu cười khẩy, nhổ thẳng vào mặt những kẻ đang tự xem mình là những người tri ân. Anh khinh thường tất thảy bằng thói ngạo đời của một kẻ chán sống. Đó là bước đi cuối cùng của anh, để anh cảm thấy sự tồn tại của bản thân mình.
Tác phẩm Hẹn gặp lại trên kia của Pierre Lemaitre. |
Với kết cấu rõ ràng, mạch lạc, đan xen nhiều giọng kể, khi trần thuật, khi miên man bằng dòng ý thức, vừa rời rạc vừa đau đáu, Pierre Lemaitre đã dựng nên một câu chuyện đầy tính giễu nhại về chiến tranh, nhưng ẩn dưới lớp giễu nhại khiến độc giả nhiều lần bật cười, gật gù tâm đắc ấy là những lớp nghĩa đầy tính chất suy tưởng xoay quanh những cay đắng, bất hạnh mà bất kỳ cuộc chiến nào cũng đem lại.
Hẹn gặp lại ở trên kia hội tụ rất nhiều yếu tố “ăn khách”, gay cấn, bí ẩn, thông minh, diễn biến tâm lý nhân vật phức tạp. Hơn thế, tác phẩm của Pierre Lemaitre cũng không hề thiếu những chi tiết lãng mạn, cảm động, những cử chỉ, ứng xử giữa Édouard và Albert, những ký ức của cha Édouard đều được khắc họa bằng một thái độ đầy cảm động và trìu mến.
Vốn là một biên kịch, lại say mê phim của Alfred Hitchcock, nên tác phẩm của Pierre Lemaitre, thường có lối khắc họa chân dung nhân vật vô cùng sắc nét, với một hệ thống ngôn ngữ đậm chất điện ảnh, nhiều trường đoạn dài đặc tả nhân vật, với đầy những trăn trở suy tư.
Bên cạnh hai nhân vật Albert và Édouard, ông Péricour cũng là một nhân vật để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong tác phẩm. Trường đoạn gặp lại của ông Péricour và Édouard, người con trai tàn tật ông tưởng đã hy sinh trong chiến tranh, đã được Pierre Lemaitre miêu tả lại đầy ám ảnh.
Ánh mắt của Édouard, khi lao vào bánh xe ô tô mà cha anh lái, là điều cuối cùng anh để lại, cũng là điều khiến cha anh và độc giả không thể nào quên được anh. Đó là giây phút xóa nhòa đi mọi đau lòng, mọi tội lỗi và mọi hiềm khích. Ông Péricour đã hình dung đó là ánh mắt của “sự biết ơn”. Và như thế, câu chuyện kết thúc, khi lời nói dối bị phát hiện, và dấu vết còn lại là nỗi khắc khoải của người đọc.
Hẹn gặp lại trên kia là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Pierre Lemaitre, đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Cuốn sách đã mang lại cho ông giải thưởng Goncourt năm 2013. Một cuốn sách đủ mê hoặc để lôi cuốn độc giả đến trang cuối cùng. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và ông từng được tạp chí L’Express xếp đầu danh sách tác giả best-seller năm 2013.