Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Heinrich Böll: Nhà văn hậu chiến của nước Đức

Một nhà xuất bản ở Muenchen đánh giá: “Heinrich Böll là hiện thân của nền văn học hậu chiến Đức, và còn hơn cả một nền văn học”.

Heinrich Theodor Böll là con thứ tám của một thợ cả nghề mộc theo Công giáo. Ông bắt đầu làm thơ và viết truyện ngắn từ rất sớm. Năm 1937, sau khi tốt nghiệp trung học, H. Böll theo học nghề kinh doanh sách ở Cologne.

Năm 1938, Heinrich Böll bị huy động vào quân đội dự bị của Đệ Tam Đế chế Đức; trước khi nhập ngũ ông học một học kỳ ngành Đức ngữ và Ngữ văn cổ điển tại thành phố quê hương; mấy lần bị thương và năm 1945 bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh và giam mấy tháng ở miền Nam nước Pháp.

Heinrich Boll: Nha van hau chien cua nuoc Duc anh 1
Nhà văn Đức Heinrich Böll.

 

Người bước ra từ chiến tranh

Sau khi chiến tranh kết thúc, Heinrich Böll trở về quê, tiếp tục đi học và kiếm sống bằng những công việc không thường xuyên.

Cũng trong thời gian này ông bắt đầu đọc và viết. Ông đọc Kafka, Hemingway, Thomas, Dostoievski, Bertolt Brecht… Ông viết một cách hối hả. Những truyện ngắn, những tiểu thuyết ra đời trong khoảng thời gian này đã khơi mạch và kêu gọi hàng loạt tác phẩm ưu tú của ông. Chiến tranh, đối mặt với sự sống và cái chết đã trở thành một kinh nghiệm quý giá trong suốt sự nghiệp văn chương của ông.

Năm 1949 Heinrich Böll trình làng truyện vừa đầu tiên Chuyến tàu đến đúng giờ (trước đó ông đã có gần 60 truyện ngắn đăng báo), phản ánh cuộc sống đời thường sau chiến tranh, văn phong đơn giản hóa một cách chủ ý. Tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh đúc rút từ những trải nghiệm cá nhân nhân vật là chủ đề trung tâm trong những tác phẩm này và cũng là đề tài chủ đạo xuyên suốt toàn bộ sáng tác về sau của H. Böll, thường được gọi là dòng "văn học đổ nát, suy tàn"

Ông tuyên bố: “Tôi hết sức quan tâm đến những con người cần lao; dù họ không là những tác giả, những nghệ sĩ gì cả. Tôi thông cảm và đồng cảm thực sự với họ, chia sẻ cùng họ mọi nỗi niềm, bằng các cuộc trò chuyện, tiếp xúc…và cũng bằng cả một tiểu thuyết hay một thiên bút ký…”.

H. Böll là tác giả trong thời cuộc. Ông đã đặt những người lính Đức bình thường vào trung tâm những tác phẩm của mình, và từ đó giãi bày những câu chuyện, những tâm tư rất gần với đời thường, mà bất kì ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó.

Bằng chính những trải nghiệm của một người bước ra từ cuộc chiến, Böll đã mang lại cho độc giả Đức, hàng trăm ngàn người, trong số đó, cũng là những người từng là lính trong chiến tranh, một hình thể xác thực. Không một tác giả nào khác làm được điều đó. Cả Alfred Andersch lẫn Wolfdietrich Schnurre, Siegfried Lenz cũng không đề cập tới những đề tài này. Những người lính xuất hiện trong tiểu thuyết đầu tay của ông Adam ở đâuTừ độ xa người và ở trung tâm tất cả các truyện ngắn.

Xã hội thời hậu chiến

Böll đã viết hàng loạt tác phẩm xuất sắc về nước Đức thời hậu chiến hoang tàn, khi những con người bình thường phải đối phó với một cuộc sống đầy rẫy những chuyện nực cười, đảo điên.

Dưới cái nhìn của một anh hề đã tái hiện một cuộc sống chất đầy những tiếng cười bi ai, mô tả cuộc sống như một vở hài kịch, và mỗi con người đều là một tên hề, trên sàn diễn của chính mình.

Câu chuyện kể về Han, một anh hề 27 tuổi sinh ra ở Bonn, phải đi diễn ở khắp nơi trên đất nước trong thời Hitler đến sau thời kỳ Hậu chiến ở Đức. Cùng với người mình yêu – một người theo đạo Cơ Đốc Giáo luôn luôn bị ám ảnh bởi tội lỗi mình mang khi chung sống như vợ chồng với anh khi chưa cưới.

Và khi một tai nạn nghề nghiệp xảy ra, anh bị xã hội chán ghét và cười mỉa mai lên sự nghiệp của anh bởi một bài báo dìm anh đến tận cùng, anh quay về Bonn trong thương tật cả thể xác và tâm hồn. Ở đó, tại quê nhà của mình, trong căn phòng của mình chỉ trong vài tiếng đồng hồ là một sự hồi tưởng đầy hằn học, mỉa mai về quá khứ với gia đình, bạn bè, những mối quan hệ xã hội, đan xen đó là sự kết nối một cách tuyệt vọng với thế giới bên ngoài hòng mong cứu giúp anh thoát khỏi cảnh thương tật và cùng quẫn.

Nhưng rồi anh nhận ra xã hội kệch cỡm và trống rỗng biết bao, và anh, hay xã hội cũng chỉ là những tên hề, mắc kẹt một cách tuyệt vọng trong đời sống mà thôi.

Heinrich Boll: Nha van hau chien cua nuoc Duc anh 2
Tập truyện ngắn Nàng Anna xanh xao - một trong những tác phẩm của Heinrich Böll 

 

được chuyển ngữ ở Việt Nam.

Năm 1971 ra đời tiểu thuyết lớn nhất của Heinrich Böll là Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà) mô tả các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian 1899-1970 với đối tượng chỉ trích là nhà thờ và "xã hội thành đạt".

Người kể chuyện giấu tên dần dần tiết lộ cuộc sống quá khứ và hiện tại của Leni Pfeiffer, một góa phụ chiến tranh, những người hàng xóm của bà, đang đấu tranh chống lại việc phá hủy căn hộ chung cư ở Cologne nơi họ đang sống.

Leni và Lev, đứa con ngoài giá thú của mình với một tù nhân chiến tranh Nga đã từng là người yêu của bà, trở thành mối liên hệ giữa những giá trị văn hóa đối lập của Cologne. Tác phẩm này bày tỏ nỗ lực cố gắng hòa giải giữa hiện tại với quá khứ và lên án việc theo đuổi sự giàu có trong xã hội hiện tại. Đây được xem là cuốn tiểu thuyết đỉnh cao của Heinrich Böll, là cuốn sách giúp ông nhận giải thưởng Nobel năm 1972.

Bằng ngòi bút sắc sảo, và trí tưởng tượng mạnh mẽ, Böll đã tái thiết lại bộ mặt nước Đức thời hậu chiến với đầy những vết thương, những bất ổn, nhưng cũng chất chứa những kỳ vọng êm đềm. Những tác phẩm của ông luôn giàu lòng trắc ẩn, và lịch thiệp đã đem đến sự an ủi và chữa lành, giữa một nước Đức hậu chiến đầy thương tích.

Heinrich Böll đoạt giải Georg Büchner năm 1967 và giải Nobel Văn chương năm 1972. 

H.G Wells - đủ điên rồ mới hiểu được thế giới

Cùng với Jules Verne, H.G.Wells được xem là cha đẻ của dòng văn học giả tưởng, người có ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của nhân loại về tương lai.


Phong Linh

Bạn có thể quan tâm