Năm 2019, một tòa án tại tỉnh Hà Nam đã tuyên bố cô bé Chen Man, 9 tuổi, có tội vì không trả được khoản nợ của người cha đã khuất. Phán quyết này châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt về hệ thống tư pháp và hệ thống tín dụng xã hội tại Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, cha của Chen Man sát hại mẹ và bà của cô bé vào năm 2012. Một năm sau, người cha bị kết án tử hình và để lại cho con gái một khoản tranh chấp tài chính.
Cụ thể, cha của Chen Man từng đồng ý bán một căn hộ cho người đàn ông họ Wang với giá 84.000 USD. Dù đã trả đủ tiền, ông Wang vẫn chưa được sang tên căn hộ vì cha của Chen Man qua đời.
Tòa án tỉnh Hà Nam thu hồi phán quyết, đồng thời đăng tải lời xin lỗi trên trang điện tử. Ảnh: Weibo. |
Ông Wang quyết định kiện cô bé 9 tuổi ra tòa để đòi lại số tiền trên. Năm 2019, một tòa án tại tỉnh Hà Nam đưa ra phán quyết có lợi cho ông Wang, đồng thời yêu cầu Chen Man phải trả nợ thay cha.
Lúc này, Chen Man không có khả năng trả nợ, thậm chí không hay biết về vụ kiện do người ông của cô bé đã thay mặt giải quyết.
Đến tháng 11/2020, Chen Man vẫn chưa trả nợ thay cha và bị coi là không tuân thủ phán quyết của tòa. Cô bé bị đưa vào danh sách hạn chế, không được thực hiện các “khoản chi cao cấp” như di chuyển bằng máy bay, tàu cao tốc hay thuê phòng khách sạn. Đây là một lệnh hạn chế thường thấy ở Trung Quốc, chuyên dùng cho những “con nợ” tài chính.
Diễn biến vụ việc bất ngờ thay đổi khi tờ Southern Weekend đăng loạt bài điều tra, trong đó nhấn mạnh hoàn cảnh bất hạnh của cô bé Chen Man. Tòa án nói trên lập tức thu hồi phán quyết, đồng thời đăng tải lời xin lỗi trên trang điện tử: “Chúng tôi xin lỗi. Quyết định hạn chế chi tiêu đối với trẻ em là không thỏa đáng”.
Song câu chuyện này vẫn vấp phải nhiều chỉ trích, đồng thời thổi bùng các cuộc tranh luận xoay quanh hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc.
Luật sư bào chữa David Zhou tại thủ đô Bắc Kinh bình luận: “Nhờ truyền thông phản ánh, tòa án mới chịu rút lại phán quyết”. Theo ông Zhou, sự can thiệp của truyền thông đã gây áp lực cho tòa án tại tỉnh Hà Nam.
“Việc nhanh chóng thay đổi phán quyết cho thấy các thẩm phán không hề cân nhắc kỹ lưỡng khi xét xử trường hợp của Chen Man”, luật sư bào chữa David Zhou nói. “Như vậy, tòa án có thể đơn phương tuyên án, không quan tâm đến bị đơn và luật sư. Điều này khiến bị cáo bị yếu thế”.
Một người Trung Quốc làm thủ tục nhận phòng khách sạn. Ảnh: South China Morning Post. |
Theo luật, các thẩm phán phải cân nhắc nhiều yếu tố, như hồ sơ tài chính của bị đơn, rồi mới áp đặt hạn chế chi tiêu. Khi bị hạn chế, bị đơn không được thực hiện 6 hoạt động chi tiêu chính, bao gồm đặt vé máy bay, vé tàu cao tốc, cho con cái học trường tư thục, thuê khách sạn và sửa sang nhà cửa.
Bằng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tín dụng xã hội sẽ thu thập, phân tích dữ liệu và đánh giá các cá nhân. Trên thực tế, hệ thống sẽ đánh giá cả những hành vi xã hội như lái xe khi uống rượu hay trốn vé tàu điện.
Nếu duy trì điểm tín dụng tốt, người dân có thể được thưởng, với phần thưởng như miễn tiền đặt cọc thuê nhà ở. Ngược lại, những người có điểm tín dụng thấp, như cô bé Chen Man, sẽ phải đối mặt với lệnh hạn chế chi tiêu hay hình phạt khác.