Suốt hàng nghìn năm qua, các tầng đất đóng băng vĩnh cửu “giam cầm” khoảng 1.400 tỷ tấn Cacbon, cao gấp đôi lượng Cacbon hiện có trong khí quyển và gấp bốn lần lượng Cacbon bị xả thải bởi con người trong 200 năm qua. Nhưng dần dần, đến thập kỷ này, quá trình băng tan khiến lượng Cacbon mắc kẹt này thoát ra ngoài. Chiếc van bấy lâu nay vốn dĩ khóa kín khí Metan và Cacbonic đã bị mở ra, và con người vĩnh viễn không có cách nào khóa nó lại được nữa.
Thập niên 2050
Từ giờ đến thập niên 2050, bất kỳ vụ cháy rừng hay băng tan nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đẩy hàm lượng Cacbon trong không khí đến điểm gia tăng đột biến trong đồ thị. Theo đó, nồng độ Cacbon tăng vọt trong khí quyển buộc bề mặt các đại dương phải hấp thụ nhiều khí Cacbonic hơn so với bình thường. Khi vào môi trường nước, Cacbonic sẽ chuyển hóa thành Axit Cacbonic, khiến tính axit của nước biển gia tăng.
Ban đầu, sự axit hóa nước biển chỉ xảy ra ở những vùng nước mặt, sau đó nó theo các dòng chảy trong hệ thống hoàn lưu của đại dương lan rộng xuống các tầng nước phía dưới. Đến thập niên 2050, các đại dương sẽ tích tụ lượng axit đủ lớn để khởi phát một thảm họa tuyệt chủng.
Nạn nhân trước nhất là san hô. Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất trong tất cả hệ sinh thái dưới biển, nhưng chúng cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gia tăng nồng độ axit trong đại dương. Các rạn san hô đã trở nên yếu ớt hơn sau nhiều năm trải qua các sự kiện tẩy trắng, chúng giờ đây còn bị suy giảm khả năng phục hồi khung xương Canxi Cacbonat của mình bởi nồng độ axit tăng cao.
Sống trong kỷ nguyên Trái Đất ấm lên kèm theo những cơn bão ngày một hung hãn, các rạn san hô có thể sẽ bị quật cho tả tơi. Theo ước tính, khoảng 90% rạn san hô trên Trái Đất sẽ bị phá hủy chỉ trong vòng một vài năm.
Hệ sinh thái của đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Jill Heinerth/Ocean Image Bank. |
Ngay cả các đại dương rộng lớn cũng dễ bị tổn thương bởi quá trình axit hóa. Dưới biển, các loài sinh vật phù du, nền tảng của chuỗi thức ăn biển, cũng sở hữu lớp vỏ Canxi Cacbonat. Do vậy, sự gia tăng nồng độ axit trong đại dương cũng kìm hãm quá trình sinh sôi và phát triển của chúng, làm cho các quần thể cá ở các mắt xích cao hơn trên toàn bộ chuỗi thức ăn cũng bị ảnh hưởng theo.
Thập niên 2050 có thể là thời điểm đặt dấu chấm hết cho hoạt động đánh bắt cá thương mại và nuôi trồng thủy hải sản, kế sinh nhai của hơn nửa tỷ người lập tức bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngành khai thác hàu và trai bị tê liệt. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng của con người phải dần quen với sự thiếu vắng nguồn protein từng luôn sẵn có trên bàn ăn trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Thập niên 2080
Đến thập niên 2080, sản lượng lương thực toàn cầu có thể lâm vào khủng hoảng. Tại những vùng đất thâm canh nông nghiệp nằm trong miền khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ; sau một thế kỷ bị bón thúc quá mức, đất canh tác ở đây bị bạc màu và không còn dinh dưỡng. Kết cục, nông dân phải đối mặt với các vụ mùa thất bát.
Tại những nơi vốn có khí hậu nóng hơn và đất đai cằn cỗi hơn, sự ấm lên toàn cầu kéo nền nhiệt tăng cao hơn nữa, khiến mùa mưa, giông bão và hạn hán diễn biến khó lường hơn. Hậu quả, nó có thể xóa sổ hoàn toàn nền nông nghiệp ở những vùng này. Trên khắp thế giới, hàng triệu tấn đất canh tác trên lớp đất mặt bị xói mòn, rửa trôi vào các dòng sông, gây ra lũ bùn quét qua các thị trấn và thành phố ở vùng hạ lưu.
Hơn nữa, nếu mức độ lạm dụng thuốc trừ sâu và tốc độ thu hẹp môi trường sống, lây lan dịch bệnh cho các loài côn trùng thụ phấn như ong không được cải thiện, thì đến thập niên này, sự biến mất của các loài côn trùng sẽ ảnh hưởng đến 3/4 số cây lương thực của nhân loại.
Nguyên do là vì sự thụ phấn của nhiều loại hạt, trái cây, rau củ, hạt lấy dầu chỉ có thể xảy ra nhờ sự cần mẫn của các loại côn trùng. Do đó, không còn các loài côn trùng thụ phấn đồng nghĩa với việc không còn vụ mùa để thu hoạch.
Đến một vài thời điểm, tình hình còn có thể bi đát hơn nếu đại dịch nào đó bất chợt bùng phát. Chỉ mới gần đây, chúng ta mới lờ mờ nhận ra mối liên hệ giữa sự gia tăng của các loại virus chủng mới với sự diệt vong của hành tinh.
Theo ước tính, con người phải đối mặt với mối đe dọa tiềm ẩn từ 1,7 triệu loại virus đang ký sinh trên các quần thể chim và động vật có vú. Theo đó, chúng ta càng tiếp tục các hành vi hủy hoại thiên nhiên hoang dã như phá rừng, mở rộng đất nông nghiệp và buôn bán trái phép động vật hoang dã, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh sẽ càng tăng cao.