Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết, đầu tháng 3/2015 người dân sẽ được vào tham gia, góp ý về kiểu dáng, màu sắc… của tàu metro.
Thời gian mở cửa tham quan kéo dài trong ba tháng tại quận 9. Sau đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề xuất với nhà chế tạo theo yêu cầu.
Kỹ sư cơ điện gói thầu số 3 tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ngồi thử buồng lái đầu tàu metro mẫu. |
Cận cảnh mô hình tàu metro hiện đại
Nhận xét về mô hình đầu máy toa xe metro đầu tiên tại Việt Nam, Ban quản lý đường sắt đô thị cho rằng thiết kế ngoại thất thể hiện thành công hình ảnh hiện đại của đoàn tàu metro đầu tiên tại Việt Nam.
Màu xanh da trời được lựa chọn để thể hiện một vẻ ngoài tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của Việt Nam.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km với 17,1 km trên cao và 2,6 km dưới đất.
Tuyến metro này có tổng cộng 14 ga, trong đó có ba ga ngầm tại Bến Thành, Nhà hát TP và Ba Son. 11 ga trên cao tại công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên và cuối cùng là bến xe Suối Tiên.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2,4 tỷ USD, bao gồm vốn ngân sách TP và vốn vay của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2019 và đưa vào vận hành năm 2020. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 dự kiến sẽ phục vụ 186.000 hành khách/ngày. Thời gian đi từ Bến Thành đến Suối Tiên là 30 phút.
Công nhân của gói thầu số 3 tuyến metro Bến Thành - Suổi Tiên bọc các tay cẩm để bảo quản. Bên trong khoang tàu được trang bị rất nhiều tay cầm cho người đứng. |
Năng lực chuyên chở hành khách của tàu là 930 hành khách với mật độ hành khách đứng: 8 hành khách/m². Tay vịn và móc nắm được lắp đặt trong toa xe để đảm bảo an toàn cho hành khách. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn).
Người dân kỳ vọng
Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự kỳ vọng về tiện ích của những tuyến metro khi hoàn thành.
Hoàng Nhân (Thủ Đức) cho biết mình sẽ sử dụng phương tiện này để đi làm vì vừa tránh được kẹt xe vừa an toàn cho bản thân.
"Đi làm bằng xe máy từ Thủ Đức vào quận 1 vừa tốn thời gian vì kẹt xe, vừa lo lắng vì đường xa, sợ nguy hiểm. Nếu tuyến metro số 1 bắt đầu hoạt động thì tôi sẽ sử dụng ngay", anh Nhân nói.
Đầu tàu mẫu hiện đang được bảo quản tại công trường metro thuộc quận 9, TP HCM. |
Bạn đọc Copza phân tích việc đi tàu tiện sẽ có những cái lợi như đúng giờ, an toàn, không sợ mưa nắng. Bên cạnh đó, tàu điện cũng giải quyết vấn nạn kẹt xe, tắc đường ở các thành phố đông dân như TP HCM.
Đồng tình, một bạn đọc khác cho rằng việc chuyển sang dùng tàu điện sẽ giảm thiểu kẹt xe, giảm thiểu khí thải độc hại vào môi trường.
Nhà ở quận 2, chị Bích Ngọc cho biết cũng đang chờ tuyến metro số 1 hoàn thành để không phải chạy xe máy đi làm mỗi ngày.
“Vừa mát mẻ vừa coi như giảm ô nhiễm môi trường thì sao lại không sử dụng? Chỉ mong giá vé không quá mắc thôi”, chị Ngọc nói.
Bạn đọc Minh cho rằng: So với xe buýt phải đi một tiếng đồng hồ từ Bến Thành ra Suối Tiên, chưa kể kẹt xe thì rõ ràng tàu điện tiện lợi hơn rất nhiều.
Bạn đọc Duy Khanh tính toán chi phí: 1 lít xăng đi được hơn 30km, nhưng nếu giá vé đi tàu điện ít hơn 1 lít xăng thì không phải là tiết kiệm hơn sao?
6 tuyến metro của TP HCM
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Tuyến metro số 2 Bến Thành - bến xe An Sương
Tuyến metro số 3 Bến Thành - Tân Kiên và ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước
Tuyến metro số 4 Nguyễn Văn Linh (quận 7) - Thạnh Xuân (quận 12)
Tuyến metro số 5 cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) - bến xe Cần Giuộc mới (quận 8)
Tuyến metro số 6 Bà Quẹo (quận Tân Bình - quận Tân Phú) - vòng xoay Phú Lâm (quận 6)