Đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua chiến lược cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này được Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng nghiên cứu xây dựng trong suốt năm 2017.
ABC Australia tiếp cận được một báo cáo do Nhà Trắng chuẩn bị trình bày về chiến lược. Tài liệu trước đây được xếp vào loại "bí mật" và "không dành cho công dân nước ngoài". Tuy nhiên, tài liệu đã chính thức được giải mật vào tuần trước - sớm hơn 30 năm so với thông thường - và sẽ chính thức được công bố trong ngày 13/1.
Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trường Trường An ninh Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói đây là tài liệu "vô cùng quan trọng" và việc giải mật sớm là diễn biến "khác thường".
"Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu về tính liên tục mà chính phủ thường trực của Mỹ, hay các quan chức, muốn thấy trong quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm việc quản lý sức mạnh của Trung Quốc", ông nói.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty. |
Với hơn 10 trang được biên tập lại một phần, tài liệu vạch ra các ưu tiên chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngôn ngữ của tài liệu có thể được coi là nhằm xác nhận với Bắc Kinh việc Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Chiến lược cam kết "đề ra và thực hiện chiến lược phòng thủ trong khả năng, (bao gồm) nhưng không giới hạn ở các việc: (1) không để Trung Quốc thống trị trên không và trên biển tại 'chuỗi đảo thứ nhất' trong một cuộc xung đột; (2) bảo vệ các quốc gia 'chuỗi đảo thứ nhất', và (3) thống trị mọi vùng miền bên ngoài 'chuỗi đảo thứ nhất'".
"Đây là quy tắc rất rõ ràng để Mỹ duy trì chỗ đứng của mình với Đài Loan, với các đối tác và đồng minh ở Biển Đông, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, thực sự duy trì tính toàn vẹn của các mối quan hệ đó và bảo vệ chúng trước sự quyết đoán và hung hãn của Trung Quốc", giáo sư Medcalf nói.
Ông nhận xét ngôn ngữ của tài liệu "rất thẳng thắn với Trung Quốc", cho thấy Mỹ "không hoàn toàn muốn đối đầu nhưng rất cứng rắn".
"(Mỹ) không hề ảo tưởng về bản chất sức mạnh Trung Quốc hay cách thức quyết đoán mà Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình", ông nói.
Tài liệu nói về nhu cầu "gắn kết chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng ta với chiến lược của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản". Mỹ muốn làm sâu sắc hơn hợp tác ba bên với Nhật Bản và Australia, cũng như quan hệ an ninh bốn bên với Ấn Độ.
Mục tiêu của Mỹ đối với Ấn Độ là "đẩy nhanh sự trỗi dậy và năng lực của Ấn Độ để nước này đóng vai trò nhà cung cấp an ninh", "giúp giải quyết các thách thức tại châu lục như tranh chấp biên giới với Trung Quốc".
Về Triều Tiên, tài liệu cho biết mục tiêu là "thuyết phục chế độ Kim Jong Un rằng con đường duy nhất để tồn tại là từ bỏ sức mạnh hạt nhân".
"Chiến lược này thiết lập một tiêu chuẩn rất, rất cao cho thành công của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc giải giáp hạt nhân Triều Tiên, ngăn chặn Trung Quốc, đầu tư vào khu vực, khơi thông đầu tư tư nhân của Mỹ, gia tăng sức mạnh của các nền dân chủ", giáo sư Medcalf nói.