Theo nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Life and Environmental Sciences, cá mập megalodon đã tuyệt chủng sớm hơn một triệu năm so với ước tính do tác động của cá mập trắng lớn.
Nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu cho rằng loài săn mồi tiền sử khổng lồ đã chết cách đây 3,6 triệu năm thay vì 2,6 triệu năm trước. Nghiên cứu trước đó dựa trên các mẫu hóa thạch toàn cầu cho rằng siêu tân tinh đã giải phóng bức xạ vũ trụ, gây ra tỷ lệ ung thư gia tăng ở những động vật lớn và dẫn đến sự tuyệt chủng của cá mập megalodon.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đánh giá lại các dữ liệu và nhận thấy các hóa thạch thực sự có niên đại 3,6 triệu năm trước. Điều này có nghĩa là sự tuyệt chủng của megalodon không liên quan đến sự diệt vong của hải cẩu, hải mã, bò biển, cá heo và cá voi cổ đại cách đây khoảng 1 đến 2,5 triệu năm.
Cá mập megalodon có thể đạt tới kích thước gấp ba lần con cá mập trắng lớn lớn nhất từng được ghi nhận. Ảnh: Shutterstock. |
Thay vào đó, loài cá mập trắng lớn mới tiến hóa Carcharodon carcharias có khả năng đóng vai trò trong sự tuyệt chủng của megalodon. Loài cá mập trắng với hàm răng cưa lớn đã di cư từ Thái Bình Dương khoảng 6 triệu năm trước đến các vùng biển trên khắp thế giới vào khoảng 4 triệu năm trước.
Cá mập trắng lớn hiện được biết đến như là loài săn mồi đáng sợ nhưng megalodon có thể đạt tới kích thước gấp ba lần con cá mập trắng lớn lớn nhất từng được ghi nhận.
Việc loài cá mập nhỏ hơn có thể cạnh tranh với những con cá lớn hơn nhiều nghe có vẻ lạ nhưng các chuyên gia khác cũng ủng hộ giả thuyết này.
"Nguyên nhân của sự tuyệt chủng này vẫn còn được tranh luận sôi nổi nhưng sự cạnh tranh của các loài săn mồi lớn khác như cá voi sát thủ và cá mập trắng lớn có thể là một yếu tố quan trọng", Emma Bernard, người quản lý hóa thạch cá tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London nói với CNN.
Theo Bernard, nghiên cứu này có thể thách thức các giả thuyết cũ và làm nổi bật tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu hóa thạch.