Sáng 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp báo quý II. Nhiều câu hỏi liên quan đến Luật Quy hoạch, Đầu tư công, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam được gửi tới lãnh đạo Bộ.
Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông, có hay không chuyện các nhà đầu tư trong nước không mặn mà với dự án trên.
24-25 doanh nghiệp trong nước đã mua hồ sơ đấu thầu
Trao đổi tại họp báo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho biết về mặt phân cấp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phụ trách việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam. Hiện nay, Bộ GTVT đã tiến hành phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư cho từng đoạn.
Cơ quan này phủ nhận việc các doanh nghiệp Việt không mặn mà với dự án. Theo tính toán, hiện nay có khoảng 24-25 doanh nghiệp trong nước đã mua hồ sơ đấu thầu.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước quan tâm thì cũng đều phải đáp ứng các quy định trong việc đấu thầu. Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn nên phải thực sự lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.
Trước thông tin nhiều người lo ngại chất lượng xây dựng các dự án cao tốc khi để nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết sẽ có những quy định để đảm bảo chất lượng.
Vị này cho biết nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã thành công với những dự án tương tự tại một nước khác.
“Doanh nghiệp ngoại phải có dự án đầu tư tương tự đã thành công ở nước mà họ không mang quốc tịch. Các dự án đó phải không có kiện tụng, tranh chấp; đảm bảo chất lượng và tiến độ. Khi đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư”, vị này chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, hiện nay nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang quan tâm đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn phía đông. Theo thống kê không chính thức, số lượng nhà đầu tư Hàn Quốc hay Nhật Bản thậm chí còn cao hơn đến từ Trung Quốc.
Bộ KH&ĐT không thẩm định dự án tâm linh
Tại họp báo, Zing.vn đặt câu hỏi tới trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc thẩm định các dự án tâm linh quy mô lớn lên tới hàng trăm, hàng nghìn ha đất. Trả lời, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ phó Giám sát và Thẩm định đầu tư, cho biết theo Luật Đầu tư, thẩm quyền cấp phép các dự án tâm linh là của chính quyền các địa phương.
Bộ KH&ĐT chỉ tham gia thẩm định các dự án lớn thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ, còn lại phân cấp thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh. Nếu dự án phải di dân từ 10.000 người trở lên ở miền núi, 20.000 dân với vùng đồng bằng, hoặc dự án có quy mô 5.000 tỷ đồng nhưng không thuộc quy hoạch, thì Bộ KH&ĐT mới tham gia tổ chức thẩm định.
“Từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Bộ KH&ĐT chưa nhận được hồ sơ trình Chính phủ các dự án thuộc lĩnh vực này của các địa phương. Hiện nay, thẩm quyền cấp phép các dự án đều thuộc UBND cấp tỉnh”, ông Tráng nói.
Tại họp báo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cũng thông tin thêm tới báo chí về kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ. Một trong những nội dung trong kết luận và vi phạm của UBND TP.HCM trong việc không thông qua đấu thầu mà ký hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) xây dựng một số tuyến đường ở Thủ Thiêm.
Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ phó Giám sát và Thẩm định đầu tư, cho rằng chính việc phân cấp nên UBND TP.HCM trước hết phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm trong việc ký hợp đồng BT với doanh nghiệp ở Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân. |
Theo ông Trương, các quy định đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT hiện nay đã đã phân cấp cho địa phương. Điều này đồng nghĩa việc ký hợp đồng BT là thuộc thẩm quyền UBND TP.HCM.
Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ phó Giám sát và Thẩm định đầu tư, cho biết thêm rằng chính việc phân cấp nên UBND TP.HCM trước hết phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm trong việc ký hợp đồng BT với doanh nghiệp.